MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu trong việc triển khai chính sách tam nông của Chính phủ. Ảnh: Agribank

Agribank quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Hiền Hiền LDO | 05/12/2023 09:00

Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu trong việc triển khai chính sách tam nông của Chính phủ. Tính đến ngày 31.10.2023, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,96 triệu tỉ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 63%.

Thời gian qua, Agribank cũng ban hành một loạt văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỉ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016, với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm.

Trên thực tế, từ nguồn vốn tài trợ của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… tạo được sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 30.000 tỉ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 2.000 tỉ đồng với hơn 300 khách hàng (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...).

Agribank đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 27.11.2023 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi tích cực tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các tổ chức tài chính tài trợ như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp...".

Agribank luôn quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tín dụng xanh. Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100 - 380%/năm (từ 1.727 tỉ đồng năm 2018 lên 13.010 tỉ đồng năm 2020).

Tính đến ngày 30.9.2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 12.098 tỉ đồng, với 41.928 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.707 tỉ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với dư nợ đạt 2.708 tỉ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng xanh; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 1.992 tỉ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Xét về số lượng khách hàng vay vốn, lĩnh vực lâm nghiệp bền vững chiếm tỉ lệ cao nhất với 99% tổng số khách hàng (42.908 khách hàng), giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các dự án cho vay với giá trị lớn chủ yếu lại thuộc về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bao gồm các dự án cho vay điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điển hình 02 dự án điện gió của Tập đoàn Trung Nam, dự án Phong điện Phương Mai 1 tại tỉnh Bình Định.

Agribank ưu tiên cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Agribank

Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn