MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dấu ấn khoa học trong ngành công nghiệp Khí

Hiền Hoàng LDO | 05/10/2020 10:00

Trong suốt chiều dài 30 năm hình thành và phát triển của ngành công nghiệp Khí tại Việt Nam, việc ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KHCN) vào thực tiễn công tác đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh đã để lại nhiều thành tựu KHCN nổi bật, giúp hình thành nên hạ tầng công nghiệp khí ngày càng hoàn chỉnh và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển lớn mạnh.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia cũng như đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Các thành tựu ấy thể hiện rõ nét trong quá trình xây dựng và phát triển của các hệ thống khí chính của ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Tôn vinh các sáng kiến tiêu biểu của PV GAS trong 30 năm xây dựng và phát triển.

Từ những ngày đầu xây dựng các công trình khí đầu tiên, bên cạnh khó khăn về tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật, thì cách thức làm việc mới theo thông lệ quốc tế, với các đối tác nước ngoài và vấn đề thu xếp tài chính cho dự án trong thời kỳ đầu đổi mới, khi đất nước còn bị cấm vận và phải khắc phục hậu quả chiến tranh cũng là những thách thức rất lớn mà những con người ngành khí phải đối mặt và vượt qua. Tuy nhiên bằng trái tim, khối óc, bằng sự sáng tạo, nỗ lực hết mình của những người lãnh đạo và tập thể người lao động, dưới sự dẫn dắt, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và PVN, ngành khí Việt Nam đã dần được hình thành và có những bước đi ngoạn mục: từ không có đến có, từ một đến nhiều, từ đơn giản đến hiện đại với việc lần lượt cho ra đời những công trình khí có tầm cỡ quốc tế.

Những công trình khí tầm cỡ quốc tế

Công trình khí Cửu Long là viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền công nghiệp khí Việt Nam, là mốc son đưa Việt Nam đến với các công nghệ hiện đại, các thiết bị kỹ thuật tinh vi, tiên tiến trong ngành khí thế giới. Công trình này đã tạo ra những sản phẩm giá trị cao như LPG, condensate, khí khô để cung cấp cho toàn xã hội từ vĩ mô đến từng hộ gia đình, tạo điều kiện cho sự hình thành khu công nghiệp Phú Mỹ, giảm thiểu nạn chặt phát rừng, giảm thiểu lãng phí do đốt bỏ khí ngoài khơi. Khí khô được sử dụng làm nhiên liệu để sản xuất ra điện phục vụ dân sinh và sản xuất công nghiệp, từ đó tạo nên công ăn việc làm, tạo cho người dân cơ hội thoát nghèo và vươn lên cùng đất nước.

Đội tuyển PV GAS được khen thưởng tại Hội thi Tay nghề ngành Dầu khí

Công trình khí Nam Côn Sơn, tại thời điểm đầu tư xây dựng, là công trình có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam và là hệ thống đường ống hai pha dài nhất thế giới. Cho đến nay, công trình này là nguồn cung năng lượng lớn nhất cho cả khu vực Đông Nam Bộ, cùng với dòng khí từ công trình khí Cửu Long góp phần thay đổi diện mạo xã hội và phát triển các khu công nghiệp lớn như Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Hiệp Phước.

Đến Công trình khí PM3 – Cà Mau - Công trình này là điểm nhấn khẳng định sự trưởng thành về mọi mặt của ngành khí Việt Nam khi những người kỹ sư của Việt Nam đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật và tự lực thiết kế, xây dựng công trình. Sự phát huy nội lực từ những kinh nghiệm được đúc kết, những tìm tòi sáng tạo trong quá trình lao động đã đem lại thành tựu to lớn với sự hoàn thiện công trình khí PM3 – Cà Mau, tạo lực đẩy phát triển toàn khu vực Tây Nam Bộ với sự ra đời của cụm công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau mà khí đốt đã trở thành nhân tố đầu tàu trong quá trình phát triển đó.

Dấu ấn Khoa học - Công nghệ

Trong 30 năm qua, bằng cố gắng phi thường của những con người dốc lòng cho sự nghiệp ngành khí, các dự án khí ứng dụng khoa học công nghệ cao đã lần lượt ra đời, không những sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất nước mà còn tạo động lực thúc đẩy sự hình thành, phát triển nên các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, góp phần làm giàu và đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng góp thêm phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Cho đến nay, thêm nhiều dự án khí mới đã được triển khai thực hiện như: Nam Côn Sơn 2, Hàm Rồng – Thái Bình, Lô B – Ô Môn, ... và đặc biệt phát triển chuỗi giá trị LNG – sản phẩm khí mới tại Việt Nam với các dự án LNG Thị Vải, LNG Sơn Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường khí tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.

Tuổi trẻ PV GAS được Trung ương Đoàn vinh danh sáng kiến sáng tạo

Bên cạnh lao động sản xuất, các thế hệ người lao động ngành khí luôn hăng say nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh sáng kiến cải tiến với nhiều đề tài đa dạng, liên quan đến đánh giá các nguồn khí mới, đa dạng hóa nguồn cung, gia tăng giá trị khí, nghiên cứu về phát triển, mở rộng thị trường, sử dụng các kho LNG nổi như tàu FSRU,..., hướng đến cập nhật theo kịp xu hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 150 ý tưởng sáng kiến được người lao động PV GAS đề xuất, trong đó có hơn 70 sáng kiến được công nhận ở cấp Đơn vị, 11 sáng kiến được công nhận cấp PV GAS và 4 sáng kiến được công nhận cấp PVN với số tiền làm lợi trung bình là 255 tỉ đồng mỗi năm.

Với sự cố gắng, nỗ lực, không ngừng học hỏi và lao động sáng tạo cũng như tận dụng tốt kinh nghiệm của thế giới thông qua hợp tác với các công ty nước ngoài và từ các thế hệ cha anh đi trước, những người kỹ sư ngành khí hôm nay vẫn luôn ứng dụng, chuyển giao KHCN mới để từng bước phát triển ngành công nghiệp khí ngày càng lớn mạnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực quốc gia, cũng như phát triển nền kinh tế - xã hội nước nhà và sẽ còn tiếp tục phát triển, mở rộng và đa dạng hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn