MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình khai thác khoáng sản “cuốn chiếu” phát huy hiệu quả khi thực hiện hoàn nguyên môi trường tại các dự án bô xít ở Tây Nguyên. Ảnh: T.Đ

Giải pháp xử lý bùn đỏ tại các dự án bô xít Tây Nguyên

Đặng Tiến LDO | 03/11/2022 17:15

Trên thế giới phương pháp công nghiệp chính được sử dụng để sản xuất alumin là phương pháp Bayer, dựa trên sự hòa tan có chọn lọc các thành phần quặng bô xít bằng dung dịch kiềm. Phương pháp này tạo ra một lượng lớn chất thải được gọi là bùn đỏ và hiện các dự án bô xít Tây Nguyên đã và đang có nhiều giải pháp xử lý bùn đỏ, bảo vệ môi trường song hành cùng với phát triển kinh doanh.

Bùn đỏ trong sản xuất alumin và ứng dụng thực tế

Những năm qua Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề xử lý và ứng dụng bùn đỏ, như Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên”, do TS Vũ Đức Lợi - Viện Hóa học chủ trì đạt được nhiều kết quả khả quan về việc thu hồi được lượng kim loại có trong bùn đỏ. Đây được coi là triển vọng cho việc xử lý và tận dụng triệt để nguồn chất thải bùn đỏ, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững công nghiệp sản xuất alumin tại Tây Nguyên.

Nhóm nghiên cứu Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) do PGS-TS Lưu Đức Hải làm chủ nhiệm đã sử dụng bùn đỏ của Nhà máy Alumin Tân Rai phối trộn với đất sét cao lanh ở Trúc Thôn (Chí Linh, Hải Dương), cát sông Hồng và than đá để sản xuất gạch nung. Sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm gạch đất sét nung dùng trong xây dựng theo TCVN 1451- 2009.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều nghiên cứu tận dụng bùn đỏ trong xử lý ô nhiễm nước thải dân dụng và quốc phòng. Cụ thể, đề tài nghiên cứu các thành phần và tính chất của bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại nhà máy alumin Lâm Đồng. Bùn đỏ là chất thải có tính kiềm cao, được phân loại chất thải nguy hại. Thành phần sắt trong bùn đỏ cao, hàm lượng Fe2O3 trong tất cả các mẫu đều trên 50%, hàm lượng tổng sắt (T-Fe >35%), do vậy có thể định hướng sử dụng làm tinh quặng sắt, gang và thép. Tuy nhiên, quy trình sản xuất thép từ bùn đỏ dựa trên công nghệ hoàn nguyên trực tiếp có nhược điểm là tiêu tốn năng lượng, dẫn đến giá thành cao và khó đáp ứng được về hiệu quả kinh tế.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất thử nghiệm với quy mô công nghiệp mẻ 200 tấn, hiệu suất thu hồi 1 tấn tinh quặng sắt/2,4 tấn bùn đỏ khô, sản phẩm tinh quặng sắt đạt 62,7%, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để sản xuất gang và sắt xốp. Các tính toán về hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất ra 1 tấn tinh quặng sắt có chi phí thấp hơn so với giá sản phẩm thương mại trên thị trường, chứng tỏ tính khả thi của việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được hai dự án bô xít ở khu vực Tây Nguyên coi trọng và triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhất. Phó Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng - ông Tường Thế Hà cho biết, trong công tác bảo vệ môi trường, Nhôm Lâm Đồng đã thực hiện được hầu hết các nội dung: Hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan; thực hiện các công trình xử lý bụi, khí thải tại Nhà máy; lắp đặt 3 trạm quan trắc nước thải tự động; tiến hành trồng cây, cải tạo, phục hồi môi trường diện tích đất sau khai thác; xây dựng hệ thống thu gom, tiêu thoát nước mưa khu vực Nhà máy…

Các công trình bảo vệ môi trường ngày càng phát huy hiệu quả cao theo hướng tự động hóa; công tác quản lý, xử lý chất thải được đơn vị thực hiện đúng quy định; công tác xử lý mùi hôi tại các hồ bùn đỏ ngày càng được quan tâm đầu tư và mang lại nhiều kết quả thiết thực; nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tế vận hành, sản xuất của Nhà máy đã góp phần tiết kiệm chi phí, năng lượng, nguyên vật liệu sản xuất.

Theo ông Ngô Tố Linh - Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, Nhà máy alumin Nhân Cơ nhiều năm qua luôn đáp ứng tốt hơn cả đánh giá tác động môi trường đặt ra. “Nhà máy đã đáp ứng rất tốt các yếu tố về môi trường. Lãnh đạo tập đoàn cũng khẳng định rất rõ là phải đảm bảo an toàn và đặc biệt là an toàn về môi trường đối với nhà máy. Đây là điều chúng tôi cũng rất ghi nhận trong quá trình làm việc tại đây”, ông Linh khẳng định.

Theo ông Linh, trong quá trình vận hành nhà máy luôn coi trọng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng đến xây dựng mô hình nhà máy thân thiện với môi trường như duy trì vận hành các công trình bảo vệ môi trường, tuân thủ quy trình công nghệ, không ngừng cải tiến công nghệ hợp lý nhằm giảm thiểu phát thải; tích cực trồng cây xanh cải tạo và giữ gìn môi trường nhà máy xanh sạch đẹp, đảm bảo hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn