MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhận diện rủi ro, hướng đến phát triển bền vững với ISO 31000

Yến Hoa LDO | 08/05/2023 08:00
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp Việt rơi vào cảnh lao đao, thậm chí sụp đổ. Rủi ro do đại dịch gây ra là điều khó tránh khỏi và điều này như hồi chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp cần có phương pháp quản lý hiệu quả, nhằm tránh khỏi rủi ro tiềm ẩn, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là hết sức nặng nề. Theo báo cáo từ VCCI thực hiện vào tháng 9/2021, 93,9% trong số 3.000 doanh nghiệp được khảo sát cho rằng tác động của đại dịch là “hoàn toàn tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020. Nghiêm trọng hơn, 90,8% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hay nói cách khác, cứ 10 doanh nghiệp thì 9 buộc phải giảm quy mô nhân lực.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, khu vực doanh nghiệp là động lực chính, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp đặc biệt là doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ khi có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 41,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 72% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước….”.

 Điện Quang là một trong những doanh nghiệp áp dụng thành công ISO 31000 Ảnh: Y.Hoa

Điều này cho thấy mọi hoạt động của doanh nghiệp đều tiềm ẩn rủi ro, không chỉ xuất phát từ nội tại bên trong mà sự tác động từ bên ngoài. Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, quản lý rủi ro đang trở thành vấn đề lớn đối với nhà điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Nhằm giải quyết rủi ro, đảm bảo “an toàn” cho doanh nghiệp, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành ISO 31000 - tiêu chuẩn về quản lý rủi ro - với mục đích giúp doanh nghiệp, tổ chức quản lý rủi ro một cách hiệu quả. ISO 31000 đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, bao gồm những người chịu trách nhiệm xây dựng chính sách quản lý rủi ro trong tổ chức; người có trách nhiệm đảm bảo rằng rủi ro được quản lý hiệu quả trong phạm vi tổ chức hoặc trong một lĩnh vực, dự án hay hoạt động cụ thể...

 Doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến các công cụ nâng cao năng suất chất lượng. (Ảnh: N.Nam)

Tại Việt Nam, thực tế đã ghi nhận nhiều tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000 mang lại hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (TP.Hồ Chí Minh) được hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 cho toàn bộ hoạt động. Phương pháp thực hiện chủ yếu là dựa vào đánh giá ban đầu, đào tạo doanh nghiệp, thực hành hệ thống quản lý rủi ro; đánh giá hiệu quả và cải tiến.

Theo đó, hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 được áp dụng cho toàn thể phòng ban Công ty Điện Quang. Quá trình triển khai, Công ty đã nhận dạng và xác định được 17 rủi ro đáng kể để tập trung theo dõi, xử lý. Kết quả đã xử lý được 12/17 rủi ro (chiếm 70,5%), giảm thiểu so với trước khi áp dụng ISO 31000 theo số liệu thống kê.

Việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro giúp Công ty chủ động nhận dạng, ngăn ngừa tổn thất và quản lý sự cố có thể xảy ra thông qua việc thống kê, đo lường kết quả xử lý hàng tháng.

Một dẫn chứng khác, Công ty Cổ phần thực phẩm Santa sau thời gian áp dụng ISO 31000 đã tiết kiệm được 5% chi phí cho quá trình sản xuất, các tính toán dựa trên tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, nhân công và tỷ lệ hàng lỗi. Cụ thể, Công ty đã xây dựng hệ thống quản lý rủi ro, áp dụng tích hợp hệ thống ISO 31000 với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho quá trình sản xuất trái cây sấy, tỏi đen, hạt điều rang và mật ong. Nhờ vậy, các sản phẩm được khách hàng ưa chuộng và có chỗ đứng tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc.

Theo đánh giá của chuyên gia thuộc Viện Năng suất Việt Nam, việc áp dụng ISO 31000 giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Do đó, thời gian tới doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng để gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn