MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: QH)

Có nên sáp nhập các trường đại học?

Thắng Hải LDO | 07/09/2018 16:57
Ngày 7.9, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã thảo luận, góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Tại hội nghị, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học và khái niệm đại học.

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, vấn đề này hiện đang có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất của cơ quan thẩm tra đề nghị, quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có Trường đại học và Đại học (hệ thống các trường đại học). Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.

Ông Bình cho rằng, mô hình “trường đại học trong đại học” là hoàn toàn không mới trong xu hướng phát triển, đồng thời tạo độ mở cho mô hình cơ sở giáo dục đại học, thuận lợi cho việc kết hợp, sáp nhập, giảm số lượng trường. Thực tế xây dựng hai đại học quốc gia đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này khi có cơ chế và nguồn lực phù hợp.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai của cơ quan soạn thảo là Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác, gọi chung là đại học.

Trước vấn đề trên, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, hiện đang có 2 loại ý kiến về mô hình cơ sở đào tạo giáo dục đại học giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Từ đó ông đặt vấn đề: Vậy mô hình như cơ quan soạn thảo đưa ra có gì bất cập về mặt nội dung và hình thức? Còn theo mô hình như đại học quốc gia thì cũng phải tính vì mô hình này hiện nay cũng đang có những bất cập thì phải tính, vì 2 đại học quốc gia hiện nay mới chỉ là xác nhập theo giải pháp hành chính, giống như trong kinh tế có các tập đoàn thì đại học cũng có mô hình tương tự.

Giải trình thêm ở góc độ cơ quan thẩm tra, ông Phan Thanh Bình cho rằng, trước yêu cầu hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các đại học phải năng động, cạnh tranh hơn. Các trường không chỉ cạnh tranh với nhau mà phải cạnh tranh với cả quốc tế cho nên có việc các trường liên kết lại với nhau. Và hiện quốc tế đang theo xu hướng này.

Chúng ta có hơn 200 trường, có sáp nhập hay không là vấn đề đang được đặt ra. Như ở Pháp, họ có hơn 100 trường nhưng gom lại chỉ còn 25 trường; Philippines cũng chỉ còn 17 trường. Nhật Bản cũng hình thành Tập đoàn Đại học quốc gia để giải quyết những bài toán lớn đặt ra ở tầm quốc gia.

“Xu hướng khác của giáo dục đại học là đa lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo độc lập nữa mà cần thiết phải đứng trong một tổ hợp. Vậy nên các trường đại học đều đang bắt đầu hình thành các tổ hợp như thế. Do đó, phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra là nhằm thích hợp cho xu hướng, mục tiêu đó. Và nên tạo hành lang pháp lý để các trường tự nguyện sắp xếp, sáp nhập lại với nhau” - ông Bình nói.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), trong vấn đề liên kết nên theo liên kết “mềm” tức là để các trường tự nhận thấy nhu cầu, thực lực và tự chủ thì liên kết lại với nhau. Chúng ta tăng quyền tự chủ để các trường tự quyết định việc liên kết với nhau, còn luật chỉ nên tạo hành lang pháp lý chứ không nên liên kết “cứng” là áp đặt theo mệnh lệnh hành chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn