MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cẩn thận gối vụ khi giá lúa tăng cao

Hoàng Huy LDO | 22/04/2018 12:06

Giá lúa cuối vụ đông xuân tiếp tục tăng cao, có lợi cho người trồng. Cũng chính vì vậy mà ngay khi thu hoạch, người dân lập tức làm đồng để sản xuất vụ mùa gối vụ liền kề trong khi cả Nam Bộ đang bước vào mùa… đại hạn. Thiếu nước, dịch bệnh hoành hành là những cảnh báo chưa bao giờ muộn.

Phấn khởi vì giá lúa tăng cao

Theo Bộ NNPTNT, ước tính quý I/2018, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 1,36 triệu tấn, với giá trị khoảng 669 triệu USD, tăng 9,4% về sản lượng và tăng tới 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cùng chiều tăng của gạo xuất khẩu, trong quý đầu năm, giá lúa Đông xuân tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng tăng từ 300-500 đồng/kg so với cùng kỳ do thị trường đầu ra thuận lợi.

Tại Hậu Giang, vào thời điểm đầu vụ (đầu tháng 3) nông dân ở nhiều cánh đồng gieo sạ sớm vụ lúa Đông xuân thu hoạch bán được giá.

Hiện tại đã cuối vụ nhưng thương lái vẫn mua cao hơn từ 700-800 đồng/kg đối với giống lúa RVT so với giá đã đặt tiền cọc trước đó. Ngay cả giống IR 50404bán được giá 5.300 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ. Do đó, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng có lãi 3 triệu đồng/công Đối với giống lúa OM 5451 có giá bán 5.700 đồng/kg, lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/công (1.300 m2).

Theo Sở NNPTNT Hậu Giang toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 67.000ha trong tổng số gần 78.000ha đã xuống giống, năng suất bình quân đạt hơn 7,7 tấn/ha. Diện tích lúa chưa thu hoạch chủ yếu còn ở huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết: Tuy Hậu Giang còn khoảng 10.000ha lúa Đông xuân chưa thu hoạch, nhưng đến thời điểm này có thể đánh giá rằng, vụ lúa đang cắt đã đạt thắng lợi trên nhiều mặt, gồm: diện tích xuống giống, năng suất, sản lượng, nguồn lợi nhuận cao cho nông dân.

Nỗi lo dịch bệnh

Ông Lê Văn Đời cho biết, đã có 14 doanh nghiệp thực hiện bao tiêu, với diện tích 11.000ha. Tuy nhiên điều ngành nông nhiệp khuyến cáo là nông dân cần phải cho đất nghỉ ngơi, tránh trường hợp gieo sạ ngay, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Ông Đời lo lắng “Hiện tại Nam Bộ đang vào cao điểm mùa khô, khả năng thiếu nước cho sản xuất rất lớn, nếu nông dân xuống giống lại đồng loạt sẽ dẫn đến thiếu nước cục bộ. Bên cạnh đó, dịch bệnh có điều kiện phát sinh”.

Trước đó, tỉnh Đồng Tháp, An Giang chính thức khuyến cáo người dân không gieo sạ lại ngay đối với trà lúa đông xuân đã thu hoạch. Tuy vậy, một số nơi người dân đã xuống giống và đã xuất hiện sâu hại, nhiều khả năng sẽ xuất hiện vàng lùn, lùn xoắn lá và đạo ôn, đạo ôn cổ bông đã xuất hiện ở một số nơi tại diện tích gieo sạ sớm.

Trước tình hình này, Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT phát đi cảnh báo tình hình sâu hại cây trồng trên lúa tại ĐBSCL. Cụ thể rầy nâu phổ biến trưởng thành mang trứng, gây hại ở mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ một số nơi có diện tích bị nặng. Những địa phương chuẩn bị xuống giống lúa Hè Thu cần theo dõi lịch xuống giống ở địa phương, gieo sạ mật độ vừa phải, không phun nhiều thuốc trừ sâu phổ rộng lúc đầu vụ nếu chưa thật cần thiết nhằm hạn chế bộc phát rầy nâu ở giai đoạn sau. Ngoài ra, trên lúa Đông Xuân 2017 - 2018 ở giai đoạn đòng trỗ cũng cần lưu ý đến bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông.

Trong khi các địa phương tăng cường khuyến cáo, bà con nông dân nếu phát hiện sâu bệnh, dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay cho cán bộ kỹ thuật để kịp thời hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hợp lý, kịp thời, đúng kỹ thuật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn