MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tốc độ tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản dường như đã vượt quá giới hạn của sự hợp lý. Ảnh: CTV

Cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh: Cuộc chơi trong tay ai?

G.Miêu LDO | 20/05/2017 07:30
Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có chuỗi ngày dài tăng mạnh và cuộc đua này vẫn tiếp diễn trong tuần qua khi nhiều mã đua tăng trần. Thực tế sự “nóng” lên của cổ phiếu bất động sản chủ yếu do đã loanh quanh ở vùng đáy quá lâu. Nay VN-Index tăng, cổ phiếu nhóm này cũng tăng theo. Chỉ có điều tốc độ tăng giá của nhóm cổ phiếu này dường như đã vượt quá giới hạn của sự hợp lý.

Tăng “nóng”

Nói về cổ phiếu tăng nóng thời gian gần đây, không thể không nhắc đến ROS (cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros). Trong phiên 11.5.2017 vừa qua, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đã xác lập kỷ lục về khối lượng cũng như giá trị giao dịch. Theo đó, khối lượng khớp lệnh ROS đạt 9,78 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.552 tỷ đồng.

Cần lưu ý, tổng giá trị giao dịch trên HoSE trong phiên 11.5 đạt 5.332 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng giao dịch của ROS đã chiếm khoảng 30% giá trị toàn thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu ROS tăng 100 đồng lên 160.400 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường FLC Faros đạt 68.972 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD) và là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên HoSE, xếp sau Vinamilk, Vietcombank, Sabeco, VinGroup và PVGas. Sau khi lên sàn vào đầu tháng 9.2016, cổ phiếu ROS đã mau chóng trở thành một trong những cái tên “nóng” nhất thị trường khi liên tục tăng trần.

So với mức giá khởi điểm chỉ 10.500 đồng/CP thì ROS hiện đã tăng hơn 15 lần, vượt trội hoàn toàn so với mức tăng của thị trường chung. Mới đây, với thông tin ROS được thêm vào rổ đầu tư của ETF, dự kiến trong đợt tái cơ cấu 2 tuần tới, quỹ này sẽ mua vào ROS với số lượng khoảng 4 triệu cổ phiếu. Theo các chuyên gia, đây chính là những yếu tố ngắn hạn giúp ROS liên tục tăng giá thời gian gần đây. Thực tế, với nhiều nhà đầu tư còn chưa có kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam thì lựa chọn đầu tư thông qua các Quỹ ETF là khá thuận tiện, có những nhà đầu tư sẽ mua vào khi ETF mua vào nhưng ngược lại cũng có nhà đầu tư sẽ bán ra khi ETF mua vào.

Một dấu ấn khác đó là giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR). Vào tháng 3.2017, giá cổ phiếu này vẫn còn quanh quẩn ở mức 14.000 đồng/CP. Thế nhưng trong vòng bảy tuần, thị giá cổ phiếu PDR đã tăng gần 100% lên 27.650 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 9.5.2017). Giá cổ phiếu công ty này bắt đầu dao động từ tháng 2.2015 kể từ khi thông tin PDR thực hiện bán một dự án quy mô để trả nợ cho Ngân hàng TMCP Đông Á.

Không thể nói rằng việc chuyển nhượng dự án để trả bớt nợ là lý do khiến cổ phiếu PDR lên giá, nhưng những thương vụ phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ, bán dự án lại trở thành đầu câu chuyện của nhóm chứng khoán bất động sản niêm yết. Và cũng tương tự trong trường hợp này là cổ phiếu Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG). Cũng từ giữa tháng 3.2017 đến nay, thị giá QCG chạy từ 4.000 đồng lên 11.650 đồng, tăng gần gấp ba lần. Không phải vì công ty này kinh doanh tốt mà chính thông tin công ty chuyển nhương dự án Phước Kiển để trả bớt nợ cho ngân hàng. Đây là dự án từng được quảng bá là đình đám nhất của công ty này thế nhưng bao năm qua vẫn chưa ra được sản phẩm.

Cẩn trọng kẻo “bỏng tay”

Dưới góc nhìn của nhiều nhà phân tích chứng khoán thì phần lớn họ không ấn tượng nhiều với sự tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản hiện nay, bởi kết quả kinh doanh thực tế không còn nhiều ấn tượng. Và quan trọng là cho tới nay cũng chưa nhìn thấy động lực hay thông tin hỗ trợ mạnh cho ngành này.

Đơn cử như trường hợp cổ phiếu ROS, với một cổ phiếu đầu cơ như ROS thì yếu tố cơ bản của doanh nghiệp lại không giúp lý giải cho giá trị cổ phiếu, mà lý do phổ biến nhất là dòng tiền “nóng”. Dòng tiền nóng đổ vào cổ phiếu này là câu chuyện xung quanh việc ROS được thêm vào rổ đầu tư của ETF. Và không nhiều chuyên gia đánh giá cao về thông tin này. Bởi vì trong trường hợp nhà đầu tư đón sóng, bán ra khi ETF mua vào thường rơi vào những cổ phiếu đầu cơ. Bởi thực tế, do quỹ này thường căn cứ theo các chỉ số kỹ thuật, cụ thể là đặt nặng vấn đề thanh khoản và tỷ trọng có thể đầu tư, chứ không đi vào đánh giá từng doanh nghiệp như những nhà đầu tư giá trị.

Chính vì điều này, không ít thành viên tham gia thị trường đã và đang tranh thủ để kiếm lời từ việc bán lại cho các Quỹ ETF, thậm chí bằng các thủ thuật như tạo thanh khoản ảo, tăng giá ảo của cổ phiếu. Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định theo trao đổi riêng của các chuyên gia VDSC với một số nhóm đầu cơ trên thị trường, họ cho rằng đã và sẽ có những người tiếp tục công việc tạo ra những “vỏ ốc rỗng” giao dịch với thanh khoản cao trên thị trường, chờ đợi những “chiếc sọt ETFs” để bán lại và kiếm lợi nhuận hợp pháp từ những nguyên tắc dễ đoán của các quỹ mô phỏng chỉ số này.

Hay như, chuyện cổ phiếu tăng giá không phải vì thông tin doanh nghiệp bán hàng được lợi nhuận mà là bán dự án để trả nợ cũng đang có nhiều vấn đề để bàn.

Câu chuyện vay nợ để kinh doanh là một câu chuyện bình thường đặc biệt là với doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp vay như thế nào, quản lý dòng tiền và khả năng trả nợ ra sao lại là chuyện khác. Nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2017 của PDR, nợ ngắn hạn của công ty là 396 tỉ đồng, dài hạn 2.802 tỉ đồng, tổng cộng gần 3.200 tỉ đồng. Giả sử lãi vay chừng 10%/năm, mỗi năm chi phí lãi vay của công ty ít nhất cũng 320 tỉ đồng. Trong khi đó các khoản vay của công ty này tại ngân hàng Đông Á có lãi suất 15%/năm. Đây là một gánh nặng không hề nhỏ.

Ở trường hợp cổ phiếu QCG, câu hỏi đặt ra là sau khi bán đi dự án tốt nhất của mình thì liệu rằng tình hình nợ và kinh doanh của công ty này liệu có khả quan hơn không? Với số vốn 2.751 tỉ đồng, trong ba năm gần nhất, mỗi năm QCG lãi vài chục tỉ đồng, năm ngoái lãi cao nhất được 45 tỉ đồng. Với lợi nhuận và giá đóng cửa ngày 9.5.2017, chỉ số P/E của QCG đang ở mức trên trời 71 lần. Quỹ VOF do VinaCapital quản lý, vốn nắm giữ 10,65% cổ phần QCG đã phải cắt lỗ cổ phiếu này, và đây là một trong những khoản lỗ lớn của quỹ trong nhiều năm qua. Cho đến nay, QCG chưa công bố báo cáo tài chính quí đầu tiên của năm nay, nhưng theo báo cáo tài chính 2016 đã kiểm toán, đến cuối năm ngoái tổng nợ ngắn và dài hạn của QCG là 1.869 tỉ đồng (nợ vay đơn thuần). Ở trang 31 phần thuyết minh báo cáo tài chính 2016, QCG còn có khoản phải trả 500 tỉ đồng gọi là “mượn tiền không tính lãi”.

Thực tế sự “nóng” lên của cổ phiếu bất động sản chủ yếu do chúng đã loanh quanh ở vùng đáy quá lâu. Nay VN-Index tăng, chúng cũng tăng theo. Chỉ có điều tốc độ tăng giá của chúng dường như đã vượt quá giới hạn của sự hợp lý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn