MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng. Ảnh: Gia Miêu

Điều chỉnh tăng mức bảo hiểm tiền gửi

Anh Thư LDO | 10/03/2017 19:20
Sau nhiều năm, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) vẫn giữ ở mức 50 triệu đồng; thì mới đây, người gửi tiền có thể đón nhận thông tin vui khi mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tăng lên 75 triệu đồng.

Tin vui cho người gửi tiền

Bảo hiểm tiền gửi là một chính sách được triển khai ở nhiều nước nhằm bảo vệ người gửi tiền vào ngân hàng, một phần hay toàn bộ, trước những thiệt hại do ngân hàng không có khả năng hoàn trả khoản tiền gửi của khách khi đến hạn. Hệ thống bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận cấu thành của cơ chế bảo vệ hệ thống tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính đó. 

Tính đến nay, mức BHTG đã được nâng một lần từ mức 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24.8.2005. Thời điểm đó, mức chi trả này tương đương 5 lần thu nhập bình quân đầu người/năm và bảo vệ tài khoản của khoảng 80% người gửi tiền nếu xảy ra trường hợp NH phá sản.

Tuy nhiên, qua 12 năm, GDP bình quân đầu người đã tăng từ 640 USD/người/năm của năm 2005 lên hơn 2.000 USD/người/năm vào năm 2016, song mức BHTG vẫn chưa được điều chỉnh và không còn phù hợp khi thu nhập và số tiền gửi của người dân tăng rất cao trong 12 năm qua.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm để lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tối đa là 75 triệu đồng. Đây được xem là một tín hiệu tích cực bước đầu đối với người gửi tiền trong cả nước. 

Việc tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là nhu cầu bức thiết nhưng nó cũng làm tăng rủi ro vỡ Quỹ bảo hiểm tiền gửi khi có ngân hàng phá sản thực sự. Vì vậy, việc tăng cường “sức khỏe” của Quỹ bảo hiểm tiền gửi là rất cần thiết trong thời điểm này. 

Theo chia sẻ mới đây, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: Mức tăng BHTG lên đến 75 triệu đồng cho mọi đối tượng, mọi mức tiền gửi là quá nhỏ, khi nhiều đề xuất đưa ra từ 150-200 triệu đồng, bởi ngay cả quỹ tín dụng nhân dân tuy nhỏ nhưng nhiều tài khoản cũng đã vượt mức này.

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Bùi Quang Tín, thời điểm năm 2002, có đến 80% số người gửi tiền trong tài khoản là dưới 50 triệu đồng, 20% còn lại ở mức trên 50 triệu đồng thì năm 2015, tỷ trọng tiền gửi có số tiền dưới 50 triệu chỉ chiếm 19% tổng lượng tiền gửi trong năm. Như vậy, trong trường hợp phải chi trả bảo hiểm thì trên 81% tổng lượng tiền gửi không được chi trả đủ 100% cả gốc và lãi.

Một số chuyên gia trong ngành cũng cho biết, vấn đề về nâng mức BHTG cũng đã gây ra nhiều tranh luận trong thời gian qua. Và mới đây, khi BHTG được nâng cao hơn đây cũng được xem là bước chuẩn bị cho một giai đoạn mới cho việc tái cơ cấu NH theo kinh tế thị trường. 

Bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền

Theo các chuyên gia ngân hàng, ngoài vai trò chi trả bảo hiểm cho khách hàng thì nhiệm vụ của bảo hiểm tiền gửi cũng phải được tăng cường. Tại nhiều nước trên thế giới, một trong các chức năng của bảo hiểm tiền gửi là ngăn ngừa, xử lý những khủng hoảng của ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn vi mô cho toàn bộ hệ thống tài chính, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn, đặc biệt là các ngân hàng sau tái cấu trúc thông qua hình thức M&A (mua bán và sáp nhập). 

Về vấn đề BHTG, TS. Trần Du Lịch cho rằng, thông thường ở các nước, khi hệ thống tổ chức tín dụng có dấu hiệu bất ổn, mức BHTG sẽ được nâng lên để tạo an tâm cho người dân. Còn ở Việt Nam, việc nâng mức BHTG hay không cũng thật sự không quan trọng, vì BHTG chỉ có ý nghĩa khi NHNN chấp nhận cho NHTM phá sản.

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là trong trường, nếu cho ngân hàng yếu kém chấm dứt hoạt động, như vậy những người gửi tiền ở ngân hàng đó sẽ thế nào?. Khách hàng ở ngân hàng này sẽ chịu thiệt hại?. Chính vì vậy, nếu cho ngân hàng chấm dứt hoạt động phải kèm theo điều kiện nâng BHTG và mức tăng phải cao hơn Dự thảo đề ra, có như vậy bảo đảm quyền lợi cho người dân khi ngân hàng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc chấm dứt hoạt động.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn