MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách hàng vay tiêu dùng sẽ không còn “đau đầu” về chuyện lãi suất. Ảnh: Vi An

Minh bạch chuyện lãi suất cho vay tiêu dùng

Anh Thư LDO | 03/04/2017 06:10
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, Thông tư 43 (có hiệu lực từ 15.3), về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC), đưa ra các quy định phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay

Thông tư 43 ra đời được thị trường kỳ vọng sẽ hóa giải những băn khoăn về lãi suất cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng. Như vậy, sau một thời gian dài chờ đợi, NHNN đã chính thức cho phép các CTTC được toàn quyền áp dụng mức lãi suất theo từng sản phẩm và quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng. Theo bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Việt Nam thì với sự ra đời của Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của các CTTC, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị đối xử như một ngân hàng thương mại như trước đây. Đây là một thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng có ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của các CTTC và ngân hàng thương mại, một loại hình hoạt động được xem là mới nhưng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây.

Bà Tiên cũng cho rằng, ngoài ra, thông tư 43 có những quy định mới liên quan đến quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hóa về hồ sơ vay vốn…. Những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Các thông tư này có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của CTTC lẫn khách hàng. Thông tư 39 về cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng đã nêu rõ tổ chức tín dụng (bao gồm cả CTTC) có thể thỏa thuận về lãi suất với khách hàng. Thông tư 43 và 39 đưa ra các quy định cũng nhằm đơn giản hóa các thủ tục cho vay, ví dụ như yêu cầu áp dụng đơn đăng ký vay sẽ tùy thuộc quyết định của các tổ chức tín dụng.

Việc yêu cầu niêm yết lãi suất theo năm trong hợp đồng sẽ giúp khách hàng hình dung rõ hơn về mức lãi suất mà họ phải trả, là căn cứ để khách hàng có thể so sánh với lãi suất ngân hàng, cẩn trọng hơn khi quyết định đi vay, mặc dù việc so sánh này chưa thật chính xác vì hoạt động của CTTC và ngân hàng rất khác biệt.

Thông tư cũng có quy định rõ ràng về thời gian nhắc nợ đối với khách hàng (từ 7g đến 21g). Mục tiêu của điều khoản này là nhằm bảo vệ khách hàng cũng như minh bạch hóa hoạt động cho vay tín dụng của các CTTC.

Vẫn còn chút băn khoăn

Bên cạnh nhiều điều kiện thuận lợi thì theo bà Thủy Tiên, các quy định mới về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày thay cho 360 ngày như trước đây), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn… sẽ buộc CTTC phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp. Điều này sẽ có tác động lớn đến hoạt động của CTTC như Home Credit vì số lượng khách hàng của công ty là rất lớn và mọi việc đều phải thực hiện tự động.

“Chúng tôi buộc phải chỉnh sửa lại hệ thống. Từ khi các dự thảo văn bản pháp luật ra đời, chúng tôi đã có sự trao đổi với các bộ phận trong công ty. Thông tin để chuẩn bị làm sao sửa đổi hệ thống cho phù hợp quy định pháp luật. Với những CTTC tiêu dùng có số lượng khách hàng hiện hữu lớn như Home Credit, gần 2 triệu khách hàng trên cả nước, việc sửa đổi hệ thống cần khá nhiều thời gian, trong khi nội dung chính thức của hai Thông tư chỉ mới được phổ biến tới các tổ chức tín dụng vào ngày 10.2 nên thời gian chuẩn bị khá gấp”.

Điều mà các CTTC tỏ ra lo ngại là với cách tính lãi quá hạn theo các quy định mới sẽ gây khó khăn hơn trong việc giải thích rõ ràng về mức phạt khách hàng sẽ phải nộp do mức lãi này thay đổi theo ngày và sẽ khá là khó hiểu đối với phần lớn khách hàng của các CTTC. Do vậy, việc thông tin rõ ràng và dễ hiểu hơn cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có kiến thức về tài chính chưa cao là một điều khá khó khăn.

“Đây là thách thức lớn nhất mà chúng tôi đối mặt hiện nay, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang cố hết sức để thực hiện đúng theo quy định của NHNN. Chúng tôi cũng mong muốn NHNN có thể xem xét lại thời gian áp dụng các Thông tư này cho phù hợp hơn với thực tế hoạt động cũng như những khó khăn mà các CTTC có thể gặp phải nhằm tuân thủ các quy định mới này” - Bà Thủy Tiên đề xuất.

Trong Thông tư 43 cũng có một nội dung đặc biệt là tổng dư nợ cho vay tiêu dùng với một cá nhân tại CTTC không được vượt quá 100 triệu đồng, trừ trường hợp khách hàng vay tiền để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản đảm bảo cho chính khoản vay theo quy định của pháp luật.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc đặt ra hạn mức tiêu dùng 100 triệu đồng là chưa hợp lý, bởi có những món vay tiêu dùng như đi chữa bệnh ở nước ngoài, chẳng hạn tại Singapore, một ngày cũng có thể phải trả đến 5.000 USD, do đó, việc giới hạn này là quá hạn hẹp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn