MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TTCK thăng hoa, "thoái vốn" trúng đậm

Gia Miêu LDO | 04/02/2018 19:32

Thị trường chứng khoán đang trong đà hứng khởi đã giúp cho 2 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng Giêng nhà nước thu về gần 10.000 tỷ đồng. Đây có thể xem là bước khởi đầu hết sức thuận lợi cho hàng loạt thương vụ thoái vốn nhà nước trong năm 2018.

Ngày 25.1 vừa qua, HOSE đã tổ chức phiên bán đấu giá 206,8 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Kết quả, toàn bộ số cổ phần được PV Oil mang ra đấu giá được NĐT đặt mua trung bình là 20.196 đồng/CP. Do giá đặt mua cao hơn giá khởi điểm 13.400 đồng/CP, nên Nhà nước đã thu về số tiền lên đến 4.177 tỷ đồng (cao hơn 51% so với kế hoạch).

Trước đó, phiên IPO của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng ghi nhận được kết quả ngoài mong đợi. Với mức giá trúng bình quân lên đến 23.043 tỷ đồng, cao hơn 57,8% giá khởi điểm 14.600 đồng/CP, tổng số tiền Nhà nước thu về đạt 5.566 tỷ đồng (cao hơn 57% so với dự kiến ban đầu).

Trong năm 2018, theo kế hoạch sẽ có hơn 150 công ty nằm trong diện thoái vốn, đây sẽ là năm trọng điểm nhất trong việc thoái vốn giai đoạn 2018-2020. Dự kiến trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều “hàng khủng”. Thống kê cho thấy, chỉ riêng 15 công ty lớn chưa niêm yết đã có kế hoạch IPO, thì giá trị vốn hóa đã có thể đạt xấp xỉ 9 tỷ USD cộng thêm vốn hóa thị trường. Cùng với các đợt IPO lớn, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước cũng được kỳ vọng diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn.

Mới đây, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) đã tổ chức buổi roadshow giới thiệu về cơ hội đầu tư vào Genco3. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ phương án cổ phần hóa Genco3 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 2100/QĐ-TTg ngày 27-12-2107. Theo đó, vốn điều lệ của Genco3 tại thời điểm cổ phần hóa được xác định là 20.089 tỷ đồng, EVN nắm giữ 51% vốn điều lệ. Cũng theo quyết định này, trước mắt EVN sẽ tổ chức bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần (chiếm 12,8% vốn điều lệ) vào ngày 9.2 sắp tới tại HOSE, với giá khởi điểm được xác định 24.600 đồng/CP, quy mô của đợt IPO lên đến 6.569 tỷ đồng. Ngay sau khi IPO thành công, EVN sẽ tiếp tục bán 36% cổ phần cho các đối tác chiến lược (dự kiến thực hiện trong tháng 3) để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 51%. Theo tính toán, để sở hữu 36% vốn và trở thành cổ đông chiến lược của Genco3, số tiền NĐT cần bỏ ra tối thiểu 18.425 tỷ đồng. Nếu cộng với 12,8% cổ phần được mang ra IPO trước đó, kế hoạch cổ phần hóa của EVN khỏi Genco3 có quy mô lên đến 25.000 tỷ đồng. Dù đợt thoái vốn được đánh giá là khủng nhất ở thời điểm hiện nay, nhưng lãnh đạo Genco3 vẫn tỏ ra tự tin về khả năng thành công.

Trước đợt IPO của Genco3, thị trường sẽ đón nhận 2 phiên đấu giá của Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Powwer) ngày 31.1 và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) ngày 2-2. Cụ thể, PV Power sẽ IPO chào bán 468 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 14.400 đồng/CP, còn VRG chào bán 475 triệu cổ phần (tương đương 11,88% vốn điều lệ) với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/CP. Theo thống kê, tổng quy mô của 2 phiên IPO này đạt xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những bước đi trong thời gian gần đây cho thấy rõ chuyển biến mạnh trong vấn đề cơ cấu lại, thoái vốn và đốc thúc thực hiện niêm yết tại các doanh nghiệp nhà nước. Các quy định mới của Chính phủ đã thiết lập một lộ trình nhằm đảm bảo các doanh nghiệp IPO sắp tới, sẽ phải thực hiện việc niêm yết trong vòng 1 năm từ năm 2018.

Đây là thay đổi quan trọng theo hướng tích cực cho việc gia tăng hàng hóa chất lượng trên TTCK Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn