MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tính chung cả năm 2022, VN-Index giảm 35%. Ảnh: Đức Mạnh

10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2022

Hương Nguyễn LDO | 28/12/2022 11:28

Năm 2022 chứng kiến chỉ số VN-Index suy giảm 35% cùng với một loạt sự kiện nóng. 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2022 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán công bố vào sáng 28.12.

1. VN-Index giảm 35% trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8% năm 2022

Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 6-6,5% đã định. Trái ngược với đà phục hồi và tăng trưởng cao của nền kinh tế, chỉ số VN-Index suy giảm rất mạnh. Từ mức 1.498 điểm khởi đầu năm, VN-Index rơi xuống ngưỡng 980 điểm cuối năm 2022. Tính chung cả năm, với mức giảm 35% của VN-Index.

2. Cú sốc tâm lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 

Sau giai đoạn bùng nổ năm 2020 - 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trầm lắng trong năm 2022 với khối lượng phát hành, thanh khoản giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 11.2022, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ đạt gần 330 nghìn tỉ đồng, giảm hơn 28,5% so với cùng kỳ 2021. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký là 1,26 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 15% GDP.

Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

Năm 2022, lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: Thế Lâm

3. Xử lý hình sự và xử phạt hành chính các sai phạm chứng khoán

11 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 442 trường hợp, tổng số tiền phạt 33,41 tỉ đồng. Trong đó đáng chú ý có 3 trường hợp về thao túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp phải khắc phục hậu quả: buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư....

Căn cứ trên kết quả giám sát, ngành chứng khoán đã chuyển cơ quan công an xử lý hình sự đối với nhóm cổ phiếu FLC, đối với các sai phạm tại các công ty liên quan trong “nhóm Louis” và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần ASA...

4. Làn sóng tin đồn thất thiệt lan rộng

Những tin đồn thất thiệt xuất hiện tràn lan trên các hội, nhóm diễn đàn. Nhiều đối tượng lợi dụng tin đồn để lập nhóm, phím hàng mua bán khiến cho thị trường chứng khoán có những giai đoạn liên tục đỏ lửa, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an liên tục đưa ra khuyến cáo tất cả tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận.

5. Các công ty chứng khoán giải chấp hàng loạt cổ phiếu cầm cố của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết

Năm 2022, lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.

Dòng cổ phiếu giải chấp từ lãnh đạo doanh nghiệp, điển hình là các mã như DIG, PRD, HPX, HDC, HBC, NVL… khiến cán cân cung - cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán.

6. TTCK phái sinh vượt qua mốc 1 triệu tài khoản sau 5 năm vận hành

Thị trường phái sinh sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index chính thức vận hành ngày 10.8.2017. Trải qua 5 năm, quy mô thị trường gia tăng vượt bậc và dần trở thành công cụ phòng vệ hữu hiệu, đáp ứng nhu cầu giao dịch ngắn hạn của nhà đầu tư.

Riêng trong năm 2022, thị trường phái sinh ghi nhận nhiều kỷ lục như có thêm 416.840 tài khoản đầu tư phái sinh được mở mới, nâng tổng số tài khoản phái sinh lên 1.150.883; Thanh khoản trung bình 11 tháng đạt 249.159 hợp đồng/phiên, tăng 31,91% so với bình quân năm 2021.

7. Điểm sáng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam

Tính tới hết ngày 23.12, khối ngoại đã mua ròng gần 27.000 tỉ đồng, tương đương với hơn 1,16 tỉ USD, giúp TTCK Việt Nam ghi nhận một điểm sáng hiếm hoi về thu hút vốn ngoại trong năm 2022 này.

Điểm nhấn của vốn ngoại trong năm 2022 là hoạt động mua ròng của khối ngoại được yểm trợ lớn qua kênh ETF. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 12, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục, đạt gần 20 nghìn tỉ đồng, vượt xa giá trị 13,5 nghìn tỉ đồng của cả năm 2021. Dự báo, ETF vẫn là công cụ đầu tư hữu hiệu trong thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

8. Áp dụng chu kỳ thanh toán T+2, đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn mục tiêu được nâng hạng

Từ ngày 29.8.2022, VSDC rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về ngày T+2. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán là một điểm cộng cho TTCK Việt Nam năm 2022 và giúp thị trường đến gần hơn với mục tiêu được nâng hạng.

9. Số tài khoản chứng khoán đạt 6,8% dân số Việt Nam

Tính đến cuối năm 2022, số lượng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước chiếm tới 6,8% tổng dân số Việt Nam, vượt xa mục tiêu 5% được đưa ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Ðề án cơ cấu TTCK và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025.

10. Thoái vốn, cổ phần hóa DNNN năm 2022 tiếp tục khó khăn

Tính đến ngày 15.12.2022, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 593 tỉ đồng, thu về 3,6 nghìn tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với dự toán nộp vào ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định năm 2022 là 30 nghìn tỉ đồng. Nói cách khác, số thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đến nay mới đạt 11% kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn