MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện cả nước đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Ảnh: NHCSXH

15 năm tín dụng chính sách xã hội: 4,5 triệu hộ thoát nghèo

PV LDO | 17/10/2017 18:51

Trong 15 năm qua, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp hơn 4,5 triệu hộ thoát nghèo. Những kết quả ấn tượng bao gồm vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015.

Chất lượng tín dụng nâng cao

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỉ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30.9.2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Trao đổi với báo chí, đại diện của NHCSXH cho biết, trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.

Tín dụng chính sách góp phần ngăn chặn vay nặng lãi

Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

NHCSXH với mạng lưới Chi nhánh, Phòng giao dịch rộng khắp toàn quốc và hệ thống Điểm giao dịch xuống tận các xã/phường, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập tại các thôn, ấp, bản, làng đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại Ủy ban Nhân dân xã/phường” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tiết giảm chi phí đi lại. Cùng với hoạt động tích cực của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo sự quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu bình xét, sử dụng vốn đến khâu trả nợ, trả lãi.

Đại diện của NHCSXH cho biết tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua đó, khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chính sách đúng đắn, góp phần hạn chế được mặt trái của kinh tế thị trường, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn