MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Bình Dương đang khẩn trương thực hiện nâng cấp mở rộng đường quốc lộ 13 để kết nối tốt hơn với TP.HCM. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, thông minh

ĐÌNH TRỌNG LDO | 24/10/2022 18:00

Tỉnh Bình Dương đang tập trung các nguồn lực vào phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa và xây dựng thành phố thông minh.

Chia giai đoạn phát triển hạ tầng giao thông

Ngày 24.10, UBND tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới được chia làm 3 giai đoạn. 

Trong giai đoạn 2021-2025, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các tuyến đường kết nối Vùng. Đồng thời, tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đô thị gắn với chỉnh trang đô thị. Trong giai đoạn này tập trung nâng cấp mở rộng các đường huyết mạch, khắc phục tình trạng kẹt xe, kết hợp phát triển giao thông với chỉnh trang đô thị.

Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đường ĐT 743.

Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ hoàn thành cơ bản việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh, từng bước xây dựng các cầu vượt, giao lộ khác mức để nâng cao năng lực thông hành trên các tuyến đường huyết mạch. Giai đoạn này cũng sẽ tập trung phát triển giao thông thông minh. Đầu tư hoàn thành thí điểm hệ thống giám sát điều hành giao thông, hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương.

Giai đoạn sau năm 2030 và định hướng đến năm 2045, tập trung đầu tư hoàn thiện đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó tập trung đầu tư hệ thống đường trên cao, các nút giao khác mức liên thông trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Đa dạng hóa các phương thức, các loại hình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối

Theo ghi nhận, những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều dự án xây dựng các tuyến đường, cầu kết nối với các tỉnh giáp ranh. UBND tỉnh Bình Dương liên tục tổ chức các cuộc họp để nắm tình hình triển khai và thúc tiến độ các dự án giao thông kết nối vùng tạo lực đẩy cho sự phát triển công nghiệp-đô thị - dịch vụ.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, đối với địa bàn giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh, hiện hai tỉnh thành đang phối hợp triển khai các dự án như: Nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1; rà soát vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường Vành đai 4; nút giao thông Sóng Thần; kết nối đường An Bình - Đào Trinh Nhất đến đường Phạm Văn Đồng; kết nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13…

Các tuyến cầu vượt cũng sẽ được đầu tư nhiều hơn trong những năm tới.

Về hướng giáp ranh tỉnh Đồng Nai, hai tỉnh đã rà soát, cập nhật quy hoạch đảm bảo triển khai các dự án: Cầu Hiếu Liêm, cầu Thạnh Hội 2, trục giao thông ĐT.747 - Bùi Hữu Nghĩa - ĐT.743a, hệ thống đường bộ kết nối giữa thành phố Biên Hòa với thành phố Dĩ An…

Về hướng Tây Ninh, hai tỉnh đang xây dựng cầu kết nối đường ĐT 744 của huyện Dầu Tiếng, Bình Dương và đường ĐT 784 của huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.

Ngoài ra, có 3 dự án lớn thuộc thẩm quyền của Trung ương đi qua Bình Dương cũng sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2025, các dự án gồm: đường Vành đai 3, Vành đai 4 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Hiện tỉnh Bình Dương đang phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư và chuẩn bị mặt bằng cho dự án.

Giao thông tỉnh Bình Dương được chú trọng đầu tư.

Đáng chú ý, dự án đường Vành đai 3 đi qua Bình Dương khoảng 26km. UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua tỉnh đang khẩn trương thực hiện dự án thành phần liên quan. Các đơn vị và địa phương đã họp bàn với người dân để thông tin về dự án và bàn phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Cố gắng đến ngày 30.6.2023 sẽ bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng, đến cuối năm 2023 bàn giao 100% diện tích mặt bằng để thi công.

Bố trí vốn, bổ sung vốn cho dự án kết nối vùng

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn từ nay đến 2025 là 4.266 tỉ đồng cho 2 dự án thành phần. Trong đó dự án Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương là 1.266 tỉ đồng và dự án bồi thường tái định cư Vành đai 3 là 3.000 tỉ đồng.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn