MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giới chuyên gia nhận định, việc tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế chưa phải là giải pháp căn cơ. Ảnh: Phan Anh

"Bơm" bao nhiêu vàng để hạ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới?

Khương Duy LDO | 24/04/2024 21:04

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng vào sáng ngày 25.4, tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra nhiều điểm khó khiến doanh nghiệp chưa mặn mà, đồng thời giải pháp căn cơ trong việc hạ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Thị trường trong trạng thái "đợi và xem"

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng, việc "ế" đến 13.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu đầu tiên "là điều đáng ngạc nhiên" khi nhu cầu vàng đang rất cao.

"Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu với 16.800 lượng vàng thì chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng. Tôi cho rằng, thị trường đang trong trạng thái "đợi và xem" nên doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đấu thầu. Doanh nghiệp đang quan sát vì thị trường có thể biến động mạnh nếu Nghị định 24 được sửa đổi.

Bên cạnh đó, việc tham gia đấu thầu phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC cũng là một rào cản, khiến doanh nghiệp cân nhắc thận trọng" - ông Hiếu chia sẻ.

Diễn biến giá vàng trong nước. Biểu đồ: Khương Duy

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, số lượng trúng thầu phản ánh một thực tế giá đang có vấn đề. Mong muốn tham gia đấu thầu của các đơn vị là có. Tuy nhiên, các điều kiện đấu thầu "quá rắn".

Chuyên gia này chỉ ra nhiều "điểm khó" của việc đấu thầu: "Cho đấu thầu nhưng chỉ được đấu giá bằng hoặc cao hơn. Trong phiên đấu thầu trước, hai đơn vị đấu thầu 3.400 lượng vàng SJC họ cũng lỗ so với mức họ mua vào" - ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Còn theo TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc không bán hết vàng trong phiên đấu thầu đầu tiên là vì thị trường chưa hấp thụ hết.

"Thực chất, doanh nghiệp đi đấu thầu, mua vàng để cung ứng ra thị trường kiếm lợi nhuận nhưng cảm thấy không có khả năng kiếm lợi được thì doanh nghiệp chỉ dừng ở mức giá đó. Đó là lý do chỉ có 2 đơn vị trúng là như vậy" - ông Long nói.

"Bơm" bao nhiêu vàng để hạ chênh lệch giá trong nước và thế giới?

Việc đấu thầu vàng mở ra, ban đầu được giới chuyên gia kỳ vọng là giải pháp "chữa cháy", giúp giá vàng miếng SJC về gần hơn với thế giới.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ rất khó để nói đẩy bao nhiêu vàng vào lưu thông để khép lại chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

"Nhưng có thể chắc chắn một điều nếu NHNN trao việc nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng thì số lượng vàng cung cấp vào thị trường sẽ dồi dào hơn, từ đó khép lại khoảng cách chênh lệch. Đương nhiên không thể loại trừ hoàn toàn mức chênh lệch này vì vàng thế giới và trong nước sẽ vẫn có những chi phí khác... Tuy nhiên sẽ giảm dần chênh lệch, vì mức trên 10 triệu đồng/lượng là quá lớn" - ông Hiếu thông tin.

Còn theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, việc tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế chưa phải là giải pháp căn cơ.

Về lâu dài cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Ngày 25.4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 2 trong năm 2024. Theo NHNN, việc tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao.

Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỉ lệ đặt cọc là 10%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn