MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay, điều này sẽ tác động đến TTCK. Ảnh: P.V

Bốn yếu tố tác động lên thị trường vốn và chứng khoán Việt Nam

H.M LDO | 26/10/2017 11:28

Ngày 25.10, tại Hội nghị Gateway to Vietnam 2017 với chủ đề Thị trường vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và có cơ cấu ngày càng vững chắc và hoàn thiện.

Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.

Câu hỏi đặt ra là thị trường vốn - TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà tăng trưởng và độ sâu trong thời gian tới hay không? Ông Dũng cho rằng có đủ cơ sở để lạc quan về sự tiếp tục phát triển bền vững của thị trường vốn - TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỉ giá tương đối ổn định mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý. Về quan điểm phát triển của VN đang có sự chuyển dịch, chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn - TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, chủ trương và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 DNNN nằm trong kế hoạch. Năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như TCty Giấy Việt Nam, MobiFone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện… Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 DN, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như TCty Cà phê Việt Nam, TCty Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than - Khoáng sản…

Từ nay đến cuối năm, một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, TCty Thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk. Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm DNNN sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. TTCK chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, một số sản phẩm sắp tới sẽ được đưa vào giao dịch trên TTCK sẽ làm tăng tính hấp dẫn, tăng cơ hội đầu tư. Trong các sản phẩm sắp tới có chứng quyền bảo đảm dự kiến đưa vào giao dịch vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (bond futures) sẽ được đưa vào giao dịch, trong năm 2018.

Thứ tư, khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn - TTCK sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, trong đó Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019. Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tạo khung khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và minh bạch.

Ông Trần Văn Dũng cho rằng, trong quá trình phát triển, những nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hướng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư nhưng Chính phủ, các bộ ngành liên quan của Việt Nam và cơ quan quản lý chứng khoán đang theo dõi rất chặt chẽ để có giải pháp ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn