MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Câu chuyện niềm tin vào thị trường trái phiếu

Anh Kiệt LDO | 11/03/2023 16:00

Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng. Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp giãn nợ, hoán đổi nợ, song trái chủ có chấp nhận hay không vẫn là vấn đề còn phải bàn luận nhiều. Dòng vốn trung và dài hạn cung ứng cho doanh nghiệp bị ách tắc.

"Ngôi sao" sáng giữa làng trái phiếu 

Thị trường trái phiếu đang gặp khủng hoảng niềm tin. Sau cú nổ từ vụ Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường này. Các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, không thể phát hành tiếp trái phiếu để thanh toán cho các lô trái phiếu đáo hạn, không có nguồn quay vòng. Khi ngân hàng thắt chặt tín dụng và lãi suất lên cao thì các doanh nghiệp bất động sản bị ứ đọng hàng tồn kho. Khi vấn đề pháp lý bị siết chặt thì không có tài sản đảm bảo. Ba yếu tố này gây ra sự tắc nghẽn dòng tiền.

Thế nhưng, trên thị trường trái phiếu vẫn có một vài điểm sáng. Ngày 9.3.2023, CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) thông báo đã hoàn tất thanh toán 3.000 tỉ đồng trái phiếu đúng hạn. Đây là các trái phiếu phát hành năm 2020 và đáo hạn vào ngày này. 

Thời gian qua, Masan là một trong số ít doanh nghiệp huy động thành công trái phiếu với giá trị lớn lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Trong tháng 2.2023, Masan đã chào bán thành công ra công chúng 2 lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng với tổng giá trị phát hành 1.500 tỉ đồng, lãi suất 9,5%/năm cho năm đầu.

Nhiều ý kiến phản ánh Nghị định 08 chủ yếu vẫn dựa theo nguyện vọng và đề xuất của các nhà phát hành trái phiếu. Ảnh: Đức Mạnh 

Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng. Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp giãn nợ, hoán đổi nợ, song trái chủ có chấp nhận hay không vẫn là vấn đề còn phải bàn luận nhiều. Dòng vốn trung và dài hạn cung ứng cho doanh nghiệp bị ách tắc.

Đến ngày 5.3.2023, có khoảng 46 đơn vị nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo ước tính từ Chứng khoán VNDirect, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách trên rơi vào khoảng 121,1 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng gần 12% dư nợ trái  phiếu toàn thị trường. 

Theo TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư vào các trái phiếu đến nay không thể đáo hạn, thậm chí lan sang cả các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành khác chứ không chỉ bó hẹp trong nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Nghị định 08 ra đời với kỳ vọng gỡ khó cho thị trường, nhưng lại chưa đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhà đầu tư. Thay vào đó tập trung chủ yếu mở đường cho doanh nghiệp hơn.

"Khi Nghị định chính thức có hiệu lực, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu để đáo hạn, song thị trường có lấy lại niềm tin, nhà đầu tư có mặn mà và mua trái phiếu hay không lại là chuyện khác. Đó chưa kể là những quy định về thời hạn trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp dù được nới dài thêm theo quy định của Nghị định 08, song các nhà đầu tư có chấp nhận hay không vẫn là vấn đề còn phải bàn luận nhiều" - TS Vũ Đình Ánh chia sẻ.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cũng chỉ ra vấn đề về thời hạn đàm phán và những yếu tố liên quan vẫn còn bị bỏ ngỏ trong nghị định. Chính phủ không hướng dẫn chi tiết về vấn đề đàm phán. Đây sẽ là vấn đề phụ thuộc vào thiện chí của đôi bên.

Nhiều chuyên gia cũng chung nhận định rằng, Nghị định 08 cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạo hành lang pháp lý cho chủ đầu tư, doanh nghiệp có thời gian thương thảo và tìm phương án tái cấu trúc, thanh toán nợ cho các trái chủ. Tất cả phương án này cần sự chấp thuận của người sở hữu trái phiếu. Vấn đề nằm ở người sở hữu trái phiếu muốn gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn