MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chặn được đà giảm, giá vàng củng cố mức cao

Lam Duy LDO | 27/02/2020 17:34

Từng sụt giảm xuống chỉ còn 1.634,6 USD trong ngày 25.2, việc giá vàng thế giới liên tục hồi phục trong 2 ngày gần đây cho thấy giá vàng vẫn đang tăng lên, dù không còn quá ồ ạt.

Giá vàng thế giới lại tiếp tục tăng lên vào chiều tối nay (27.2) khi thị trường trong nước chuẩn bị đóng cửa. Ở thời điểm gần 17h cùng ngày, giá vàng thế giới đang được giao dịch quanh mức 1.649,2 USD/ounce.

Nếu so với giá đóng cửa ngày 26.2 và 25.2 lần lượt là 1.640,8 USD và 1.634,6 USD, giá vàng giao dịch vào chiều nay thực tế có được mức tăng tương ứng 8,4 USD và lên tới 14,6 USD mỗi ounce chỉ sau 2 ngày.

Tăng chậm nhưng giá vàng ngày 27.2 (màu xanh lá) vẫn đang giữ mức cao nhất 3 ngày qua. Ảnh: KITCO

Đây là một xu hướng cần đặc biệt lưu ý bởi nó thấy giá vàng đang dần dần lấy lại vị trí của mình sau khi chứng kiến mức sụt giảm "hoảng loạn" từ mức cao lên tới 1.688 USD/ounce vào đầu tuần này.

Diễn biến đi lên chậm rãi của giá vàng 3 ngày qua củng cố cho nhận định trước đó của Peter Grosskopf - CEO của Sprott Inc khi cho rằng giá vàng vẫn đang hướng đến vùng mục tiêu 1.800 - 2.000 USD/ounce, dù trong lộ trình đi lên có thể gặp một chút điều chỉnh (giảm giá) ngắn hạn nhưng không có gì lớn.

Với chiều hướng đi lên gần đây, Trưởng nhóm nghiên cứu của Pepperstone - Chris Weston nhìn nhận, nếu vàng có thể duy trì trên mức 1.635 USD/ounce (như hiện nay), thị trường vàng có thể tiếp tục xây dựng cơ sở và giao dịch có thể lấy lại đà tăng giá.

Theo đó chỉ cần một động thái giao dịch đạt trên 1.660 USD/ounce có thể đưa giá vàng lên mức 1.689 USD/ounce và thậm chí có thể lên tới 1.700 USD/ounce.

“Chúng tôi vẫn đang giữ xu hướng tăng đó trong ngắn hạn. Trên thực tế, nếu có được một sự di chuyển trở lại trên 1.660 USD/ounce, chúng tôi sẽ có thêm niềm tin rằng giá vàng có thể quay trở lại ở mức 1.689 USD/ounce” - Chris Weston nói.

Các lo ngại về việc virus corona (COVID-19) có thể lan rộng khắp châu Âu và Mỹ, tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ và nhiều ngân hàng trung ương xem xét cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh là những yếu tố tác động tích cực đến giá vàng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vào chiều ngày 27.2 dường như vẫn đang đề phòng các biến động mạnh của thị trường vàng khi duy trì khoảng chênh lệch giá mua – bán ở mức rất cao.

Ngoại trừ Doji duy trì khoảng chênh lệch giá chỉ 300 – 500 nghìn đồng mỗi lượng, chênh lệch giá tại SJC và Bảo tín Minh Châu vẫn phổ biến trong khoảng 700 – 800 nghìn đồng mỗi lượng. Cá biệt tại PNJ, chênh lệch giá mua bán vàng miếng tại đây vẫn lên tới 1 – 1,2 triệu đồng mỗi lượng.

Chênh lệch giá bán với giá mua càng cao, người mua vàng càng gặp nhiều rủi ro do khả năng hòa vốn hay bán lại kiếm lời trong ngắn hạn là rất khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn