MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chỉ số BCI ổn định, doanh nghiệp châu Âu vẫn giữ tâm thế thận trọng

Thái Mạnh LDO | 12/04/2023 08:43
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab đã công bố Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) trong quý 1.2023. Theo đó, chỉ số BCI giữ ở mức ổn định, tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu vẫn giữ tâm thế thận trọng.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 2.2023. Ảnh: LĐO

Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) là khảo sát hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, là thước đo thường xuyên về môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Báo cáo được tổng hợp phản hồi từ mạng lưới rộng lớn gồm 1.300 thành viên doanh nghiệp của EuroCham Việt Nam, đại diện cho hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế của đất nước.

Chỉ số BCI ổn định trong quý 1.2023. Nguồn: EuroCham

Các doanh nghiệp kỳ vọng hiệu quả kinh tế được cải thiện trong quý 2.2023

Trong quý 1.2023, chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) ở mức 48,00 tương tự với mức điểm trong quý 4.2022, cho thấy sự thận trọng của các doanh nghiệp châu Âu với triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Theo đó, có đến 6% doanh nghiệp dự báo nền kinh tế sẽ suy thoái trong Quý 1.2023, trong khi 7% doanh nghiệp cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong các quý tiếp theo với việc doanh thu cũng như đơn hàng sẽ được cải thiện.

Du lịch, F&B và Năng lượng tái tạo được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai

Du lịch, F&B và Năng lượng tái tạo là 3 ngành mà các doanh nghiệp cho rằng có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Đặc biệt, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ là lĩnh vực sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thời gian tới khi có đến 38% doanh nghiệp cho rằng, đây là ngành có tiềm năng tăng trưởng cao.

Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI

Theo báo cáo, Việt Nam được đánh giá nằm trong top 3 điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu trên toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng các quy định thiếu minh bạch, giải quyết thủ tục hành chính chưa hiệu quả và vướng mắc khi xin thị thực vẫn là ba trở ngại lớn nhất đối với hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. 

Đáng chú ý, đối với lĩnh vực sản xuất, thủ tục hải quan rườm rà vẫn là rào cản, trong khi các doanh nghiệp dịch vụ lại chịu thách thức lớn trong việc cấp thị thực và giấy phép lao động. Các ngành khác như vận tải, dược phẩm, năng lượng tái tạo cũng gặp khó khăn khi luật chống tham nhũng chưa hoàn thiện.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường ổn định chính trị, cải thiện môi trường pháp lý, chế độ thuế và thuế quan một cách tốt hơn để gia tăng sức hút dòng vốn FDI. Theo đó những biện pháp này sẽ giúp giải quyết các mối bận tâm của doanh nghiệp ngoại và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn