MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đợt sụt giảm vừa qua đơn thuần là một đợt điều chỉnh mạnh sau một thời gian dài tăng khá nóng.

Chứng khoán có tiếp tục tụt dốc chạm mốc 1.000 điểm?

H.M LDO | 03/05/2018 11:00

Sau khi tăng 19,3% trong quý I, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh trong tháng 4 với mức giảm 10,6%, đây có thể là tháng giảm mạnh nhất của chỉ số VN-Index trong vòng 7 năm qua, thị trường mất khoảng 15 tỉ USD vốn hóa. 

Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từng được xem TTCK hàng đầu Châu Á trong năm 2018, nay lại chuẩn bị ghi nhận thành quả tệ nhất thế giới trong tháng 4.2018. Liệu đà rơi của TTCK có còn tiếp tục khi kịch bản “Sell in May and go away” đang khiến các nhà đầu tư lo ngại?

Tháng 5 về là các nhà đầu tư lại lo ngại về kịch bản “Sell in May and go away” (bán chứng khoán vào tháng 5 và đi chơi). Với những gì đã diễn ra vào cuối tháng 4, việc các nhà đầu tư lo ngại về tương lai của TTCK trong tháng 5 là điều dễ hiểu. Trước đó, lượng vốn nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam cao thứ hai ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 do bị thu hút bởi đà tăng nóng của giá cổ phiếu và chương trình tư nhân hóa của Chính phủ Việt Nam cũng dẫn tới việc hàng loạt công ty muốn khai thác thị trường vốn.

Chuyên gia của Cty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết: “Đợt sụt giảm của TTCK Việt Nam đơn thuần là một đợt điều chỉnh mạnh sau một thời gian dài tăng khá nóng và do áp lực vay margin của các nhà đầu tư đang ở mức cao”.

Nhìn chung, đà giảm của TTCK không bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế hay lợi nhuận doanh nghiệp. Các yếu tố cơ bản về kinh tế vĩ mô vẫn ổn chắc và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn sáng sủa, hỗ trợ xu hướng đi lên dài hạn của thị trường.

“Có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài bán tháo và rõ ràng, thị trường đang trong xu hướng giảm và điều này đã khiến một số người bị “call margin” - ông Michel Tosto - Giám đốc điều hành khối Khách hàng tổ chức tại CTCK Bản Việt (VCSC) - trao đổi với Bloomberg.

Thời gian tới, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, OTC: TCB) chuẩn bị chào bán cổ phiếu với tổng trị giá có thể lên tới 21.000 tỉ đồng (tương ứng 922 triệu USD).“Các nỗ lực huy động vốn như thế này có thể khiến làn sóng bán tháo trở nên trầm trọng hơn bởi nguồn cung cổ phiếu ngày càng gia tăng trong thị trường, do một số thương vụ lớn cộng với lập trường cẩn trọng của các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Phân tích của CTCK HSC cho biết.

Dự báo về xu hướng của VN-Index trong thời gian tới, chuyên gia của Cty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết chỉ số VN-Index dừng ở đâu phụ thuộc rất lớn vào mặt bằng giá của nhóm bluechips đã cân bằng chưa cũng như đã đủ hấp dẫn để lôi kéo dòng tiền quay trở lại. Nhịp điều chỉnh diễn ra vào thời điểm bùng nổ các thông tin tốt, từ vĩ mô quý I tốt nhất trong 10 năm qua, kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của doanh nghiệp cho tới chia cổ tức, như vậy, thị trường điều chỉnh không phải vì thông tin mà vì cung cầu cổ phiếu.

Do vậy, thị trường chỉ có thể ổn định và tạo đáy nếu cung cầu cân bằng hơn. Mức độ chiết khấu trong nhịp điều chỉnh bao nhiêu tùy thuộc vào độ hấp dẫn dòng tiền trung dài hạn đã chốt lời quay trở lại, vì vậy, chỉ số chung ít có ý nghĩa trong nhịp điều chỉnh này, điều quan trọng nhất là cổ phiếu đã ổn định ở vùng này hay chưa. Vậy tương lai nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

“Kịch bản VN-Index dao động xung quanh mốc 1.050 điểm trong nhịp điều chỉnh đang diễn ra, tương đương mức P/E vào khoảng 17.x lần cũng là hợp lý. Theo kịch bản này, VN-Index sẽ có đợt hồi phục lên ngưỡng 1.140 điểm. Trong trung hạn, chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index tạo đáy ở ngưỡng 1.000 điểm trong nhịp điều chỉnh vừa qua và sau đó sẽ có đợt phục hồi về ngưỡng 1.140 điểm”, đại diện của MBS nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn