MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khối ngoại tính chung mua ròng hơn 3.800 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán trong 8 tháng đầu năm 2022. Ảnh minh họa: Thế Lâm

Chứng khoán: Dòng tiền mua ròng của khối ngoại cho thấy động thái gì?

Thế Lâm LDO | 04/09/2022 06:56
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, khối ngoại mua ròng tổng cộng hơn 3.800 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xét về giá trị mua ròng với mức trên trong 8 tháng là không lớn. Bởi tính ra, bình quân mỗi tháng, khối ngoại mua ròng chỉ hơn 475 tỉ đồng, mỗi tuần giao dịch chỉ mua ròng hơn 110 tỉ đồng.

Cụ thể hơn, trong 8 tháng, khối ngoại bán ròng từ tháng 1-3.2022, với tổng giá trị bán ròng hơn 6.580 tỉ đồng. Sau đó, một trạng thái đảo chiều diễn ra, khối ngoại quay lại mua ròng khá mạnh từ tháng 4-6, với tổng giá trị giao dịch mua ròng hơn 10.400 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khối ngoại mua ròng hơn 3.800 tỉ đồng.

Tuy nhiên sang tháng 7, khối ngoại lại có một tháng bán ròng nhẹ, với tổng giá trị bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng. Để rồi sau đó, tháng 8 khối ngoại lại quay trở lại mua ròng gần 1.000 tỉ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2022, khối ngoại có 4 tháng bán ròng và 4 tháng mua ròng. Song về dòng tiền, giá trị vẫn nghiêng về mua ròng như đã đề cập ở trên.

Xét về điểm số của VN-Index, trong 8 tháng vừa qua, chỉ số có 4 tháng giảm điểm và 4 tháng tăng điểm. Nhưng so với điểm số vào thời điểm tháng 1, kết thúc tháng 8.2022, VN-Index còn thấp hơn mức điểm đỉnh của tháng 1.2022 gần 200 điểm.

Quan sát tương quan dòng tiền khối ngoại trên thị trường với diễn biến của điểm số VN-Index thấy rằng, khối ngoại bắt đầu bán ròng và bán ròng mạnh khi VN-Index dần tiến tới đỉnh (từ tháng 1-3). Sau đó, khi chỉ số bắt đầu điều chỉnh giảm từ tháng 4.2022, khối ngoại quay lại mua ròng (từ tháng 4-6). Tiếp đến tháng 7, giai đoạn thị trường lình xình có dấu hiệu tích lũy đi ngang, khối ngoại bán ròng nhẹ. Cho tới tháng 8, chỉ số thể hiện rõ dấu hiệu hồi phục (tăng hơn 74 điểm tương ứng mức tăng 6,15%), khối ngoại quay lại mua ròng.

Nhìn chung, giá trị mua ròng của khối ngoại được tạo ra chủ yếu trong giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh từ đỉnh 1.430 điểm đi xuống, từ tháng 3-6.2022.

Trên thực tế từ diễn biến thị trường cho thấy, khối ngoại đã không rút vốn khỏi thị trường trong khoảng thời gian VN-Index điều chỉnh mạnh giống như thời kỳ giảm điểm sâu của VN-Index năm 2020 (tháng 1-3.2020). Nhưng dòng tiền của khối này cũng không tăng mua ròng quá mạnh khi thị trường chưa rõ xu hướng hoặc đang gặp khó khăn. Đây là điều khá trái ngược so với năm 2020.

Cũng từ thực tế dòng tiền khối ngoại ở lại và gia tăng vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã nói lên quá trình hồi phục khá nhanh của nền kinh tế, có đến 2/3 doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng và có lãi (theo dự báo tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 17% so với năm 2021). Điều đó giúp tạo ra niềm tin lý tính đối với dòng tiền của khối ngoại chứ không chỉ thuần túy theo trend, lướt sóng bắt đáy - bán đỉnh…

Nhà đầu tư có thể “học” gì từ 2 điểm nhấn của dòng tiền khối ngoại trên thị trường trong 8 tháng đầu năm 2022? Đó là mua ròng mạnh khi thị trường giảm mạnh (đợt giảm mạnh từ tháng 4-6.2022 không do nội tại của nền kinh tế như năm 2020 mà do tác động từ yếu tố địa chính trị, lạm phát trên thế giới) và khi thị trường có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn