MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển hydrogen xanh được xem là cấp thiết trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Ảnh: EVN

Chuyển dịch năng lượng sang hydrogen xanh để hướng tới tăng trưởng bền vững

ĐỨC MẠNH LDO | 06/11/2023 08:21

Theo đánh giá từ chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành quốc gia đi đầu châu Á trong phát triển hydrogen xanh nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong quỹ đất trống, chi phí sản xuất, vận chuyển còn cao...

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu quy trình phát triển hydrogen xanh

Theo quy hoạch điện VIII, phát triển sản xuất và ứng dụng hydrogen trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông, sản xuất điện và các nguồn năng lượng xanh được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam. Hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là cấp thiết trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Theo đánh giá từ ông Jean Gourp - Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương tại Tập đoàn John Cockerill, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu quy trình phát triển hydrogen xanh, đồng thời cũng đón nhận nguồn vốn đầu tư nhiều nhất từ nay đến 5 năm tới.

"Những sáng kiến, công nghệ mới trong lĩnh vực này đang được thúc đẩy phát triển đầu tư rất nhanh. Đây là lý do vì sao trong thời gian tới thị trường hydrogen xanh sẽ phát triển mạnh, trong đó Việt Nam sẽ là trung điểm lớn trong khu vực. Chúng tôi tin tưởng vào tương lai với tiềm năng của hydrogen xanh trong giảm thiểu khí thải carbon của ngành công nghiệp và nền kinh tế" - ông nhận định.

Kỳ vọng Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành quốc gia để đi đầu châu Á trong phát triển hydrogen xanh, nhưng ông Markus Bissel - Trưởng hợp phần hiệu quả năng lượng, Chương tình hỗ trợ năng lượng của GIZ - cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó diện tích đất trống còn hạn chế so với các quốc gia phát triển hydrogen xanh trên thế giới. Về chi phí sản xuất, vận chuyển của Việt Nam đang cao hơn so với các quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nguồn năng lượng này, bà Ji Young Lee - Trưởng nhóm Kinh doanh hydrogen toàn cầu, SK E&S - cho biết, đơn vị này đã hoá lỏng khí hydro để dễ vận chuyển hơn. Có những trạm trung chuyển, phối hợp với các nhà vận tải để hoá lỏng khí. Bên cạnh đó Chính phủ cũng hỗ trợ khi có nhiều chính sách hành lang để thu hút nhà đầu tư tham gia.

"Trong mỗi khu vực của hệ sinh thái đều có sự ủng hộ và phối hợp từ phía Chính phủ và doanh nghiệp. Sự hội nhập quốc tế và tham gia của các đơn vị liên quan sẽ tạo ra chuyển dịch thành công trong nguồn năng lượng này" - bà Ji Young Lee nói.

Định hướng hydrogen sẽ đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng cuối cùng

Ông Đặng Hải Anh - Trưởng phòng Dầu khí, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương - cho biết, định hướng đến năm 2050 sẽ đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong các lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó hình thành phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, đưa tỉ trọng năng lượng hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng cuối cùng.

Đồng thời phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng tồn trữ, phân phối và sử dụng hydrogen với quy mô thị trường khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm. Triển khai mở rộng và hoàn thiện các hệ thống phân phối hydrogen cho lĩnh vực giao thông trong phạm vi cả nước phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Ông đề xuất xây dựng thí điểm các trung tâm, cơ sở sản xuất và phân phối năng lượng hydrogen xanh quy mô nhỏ và vừa phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn. Đồng thời cần triển khai công nghệ mới, ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen và từng bước làm chủ công nghệ thu giữ và sử dụng carbon gắn với quá trình sản xuất hydrogen từ các năng lượng khác.

Về nguồn nhân lực cần xây dựng kế hoạch phát triển phục vụ cho ngành năng lượng hydrogen xanh, cũng như tăng cường hợp tác đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn