MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà tăng của VN Index trong tháng 8 chủ yếu nhờ sự nâng đỡ từ nhóm Dầu khí và Ngân hàng

Cổ phiếu nhóm dầu khí và ngân hàng là “trụ đỡ” cho VN Index

H.M LDO | 12/09/2018 06:00
Sau một thời gian dài, thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm, đến mùa các doanh nghiệp liên tiếp công bố báo cáo tài chính kinh doanh nửa đầu năm 2018, tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện.

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, đà tăng của VN Index trong tháng 8 chủ yếu nhờ sự nâng đỡ từ nhóm Dầu khí và Ngân hàng. 

VN Index tăng từ mức 956,39 điểm lên 978,27 điểm trước khi ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong tháng (1,73%) vào ngày 15.8 do áp lực chốt lời tại nhóm dầu khí. Tuy nhiên, thị trường đã hồi phục trở lại, VN Index chốt phiên ngày 31.8 tại ngưỡng 989.54 điểm, tăng 3.47% so với cùng kỳ tháng trước (tương ứng với 33.15 điểm).

“Đà tăng của VN Index trong tháng 8 chủ yếu nhờ sự nâng đỡ từ nhóm Dầu khí và Ngân hàng. Giá dầu Brent phục hồi mạnh, tăng thêm 4,26% so với cùng kỳ tháng trước đã tác động tích cực đến diễn biến của GAS.

Theo ước tính, giá dầu Brent tăng thêm 1USD thì lợi nhuận trước thuế của GAS tăng thêm 150 tỉ VND. Giá cổ phiếu PVGAS tăng 17,3% so với cùng kỳ tháng trước, đóng góp tới 10,4 điểm tăng cho VN Index” - ông Nguyễn Đức Hùng Linh Giám đốc BP Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty CPCK Sài Gòn (SSI) cho biết.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, 3 mã nổi bật nhất trong tháng 8 là BID, VCB và CTG. Bộ ba này đóng góp tới 17,2 điểm tăng cho VN Index. Điểm sáng thông tin đã giúp cổ phiếu nhóm ngân hàng hút dòng tiền của các nhà đầu tư chính là Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cho ngành Ngân hàng. Đáng chú ý, kế hoạch hạ tỉ lệ sở hữu của Nhà nước từ mức tối thiểu 65% về mức 51% từ năm 2021 và niêm yết 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và Vietinbank tại các sở giao dịch chứng khoán nước ngoài.

Sau giai đoạn điều chỉnh sâu từ tháng 4 đến đầu tháng 7, tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam đã ổn định hơn khi hy vọng lại nổi lên từ các vòng đàm phán thương mại và đồng USD đảo chiều giảm.

Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về Chiến lược nâng hạng thị trường chứng khoán càng củng cố niềm tin cho giới đầu tư. Thanh khoản thị trường cải thiện mạnh so với tháng 7. Giá trị giao dịch bình quân tính trên cả 2 sàn tăng thêm 13% So với cùng kỳ tháng trước, đạt mức 4.982 tỉ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu hướng bán ròng, tạo áp lực lên nhiều cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE. Khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỉ trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VIC (1.300 tỉ đồng),VNM (1.064 tỉ đồng) và VHM (514 tỉ đồng). Giao dịch của khối ngoại là nguyên nhân chính khiến cho các cổ phiếu trên rơi vào trạng thái điều chỉnh trong tháng 8.

Nói về thị trường phái sinh, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết “Thị trường cơ sở diễn biến tích cực đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, từ đó làm thị trường phái sinh hạ nhiệt. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh trong tháng 8 đạt 1,8 triệu hợp đồng, tương đương với bình quân 79.539 hợp đồng/phiên (giảm -38% so với cùng kỳ tháng trước), đây cũng là mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Khối lượng mở vào phiên giao dịch cuối tháng 8 là 15.320 hợp đồng, giảm -9.1% so với cuối tháng 7. 

Tính chung cả 3 sàn, quy mô bán ròng của khối ngoại đạt mức 1.250 tỉ đồng, do nhóm này thực hiện mua ròng trên HNX (100.2 tỉ đồng) và Upcom (196.2 tỉ đồng). Sự hồi phục của thị trường đã đẩy định giá P/E bình quân của VN Index lên 17.6, tăng đáng kể so với mức trung bình tháng 7 là 16.8. Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, mức P/E của VN Index vẫn thấp hơn so với Indonesia (19.9), Malaysia (19.3) và Philippines (19.8).

Thị trường tài chính thế giới đang phải đối mặt với rủi ro gì?

Thị trường tài chính thế giới đang trải qua những diễn biến khó lường có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều quốc gia, xoay quanh chính sách thương mại của Mỹ cùng lộ trình thắt chặt tiền tệ của Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển. Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và chưa cho dấu hiệu nhượng bộ.

Mỹ đã chính thức áp mức thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 6.7 và 16 tỉ USD từ ngày 23.8, ngay lập tức Trung Quốc đã có những động thái trả đũa tương tự. Thị trường tiếp tục thấp thỏm chờ đợi quyết định cuối cùng liên quan tới việc Mỹ áp thuế lên 200 tỉ USD tiếp theo và thậm chí 267 tỉ USD còn lại. Nhật Bản có thể là mục tiêu tiếp theo Mỹ nhắm tới khi thâm hụt thương mại với Nhật Bản xếp thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Thị trường tài chính là nơi hứng nhanh chóng khi rủi ro thương mại gia tăng. Đồng CNY tiếp tục mất giá mạnh trong tháng 8, tỉ giá USD/CNY tăng lên mức 6.93, mất 9,6% trong vòng 4 tháng. NHTW Trung Quốc (PBOC) đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cứu đồng CNY.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn