MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu đồ giá cổ phiếu STB trong 1 tháng qua. Ảnh: VNDirect

Cổ phiếu niêm yết sàn HNX khác gì HoSE?

H.M LDO | 19/10/2017 10:00

Sự kiện nóng trên thị trường chứng khoán thời gian qua là việc Sacombank bất ngờ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch thay đổi mã chứng khoán và chuyển sàn niêm yết. Cụ thể, Sacombank muốn đổi mã chứng khoán STB sang SCM, chuyển niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM), kế hoạch chuyển sàn từ HOSE sang HNX của Sacombank có thể dẫn đến áp lực bán ngắn hạn ở cổ phiếu này do cổ phiếu STB sẽ bị loại khỏi giỏ chỉ số FTSE Vietnam và VN30. Theo các chuyên gia, về mặt lý thuyết, việc hủy niêm yết trên HOSE và chuyển sang HNX về mặt lý thuyết được coi là một bước lùi về tính minh bạch và tính thanh khoản. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài lớn lựa chọn hoặc ưa chuộng cổ phiếu niêm yết trên HOSE hơn. Ngoài ra, việc loại STB khỏi 2 giỏ chỉ số chủ chốt sẽ dẫn đến áp lực bán từ khối ngoại.

Và điều này thể hiện rõ trong các phiên giao dịch gần đây, giá STB liên tiếp giảm điểm.

Vậy niêm yết cổ phiếu trên HNX và HOSE có gì khác nhau? HoSE yêu cầu các công ty niêm yết phải công khai các khoản nợ đối với thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc, cổ đông lớn và những người liên quan; trong khi đó HNX không quy định công khai yêu cầu này.

Theo quy định, một tổ chức cổ phần niêm yết chứng khoán trên HoSE phải có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, trong khi mức vốn này ở HNX chỉ từ mức 30 tỷ đồng.

Công ty có mã chứng khoán niêm yết trên sàn HoSE phải có ít nhất 2 năm liền kề có lãi và không nợ quá hạn trên một năm, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết, tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính. Trong khi đó chỉ số này trên sàn HNX chỉ yêu cầu công ty có mã chứng khoán niêm yết, không nợ quá hạn một năm nhưng, không yêu cầu phải có ít nhất 2 năm có lãi.

Đặc biệt, HoSE yêu cầu các công ty niêm yết phải công khai các khoản nợ đối với thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc, cổ đông lớn và những người liên quan; trong khi đó HNX không quy định công khai yêu cầu này. HoSE cũng yêu cầu số lượng 300 cổ đông (không bao gồm cổ đông lớn) nắm giữ ít nhất 20% số cổ phiếu có quyền biểu quyết; sàn HNX chỉ yêu cầu 100 cổ đông nắm giữ 15% số cổ phần biểu quyết của công ty niêm yết…

Nếu công ty niêm yết trên sàn HoSE vi phạm các quy định công khai thông tin bốn lần trở lên sẽ bị HoSE nhắc nhở và cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt khi công ty niêm yết vi phạm các quy định như một số các chỉ tiêu trình bày ở trên. Tuy nhiên, sự khác biệt còn nằm ở chỗ công ty có mã chứng khoán niêm yết trên sàn HoSE sẽ không đảm bảo được tính các rổ chứng khoán, ký quỹ, lưu ký chứng khoán… khi nằm vào diện bị cảnh báo và kiểm soát đặc biệt. Thậm chí một cổ phiếu không đáp ứng được các chỉ số như vốn điều lệ, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu và các điều kiện công khai minh bạch thông tin còn bị HoSE hủy giao dịch mã cổ phiếu của công ty niêm yết vi phạm quy định pháp luật.

Điều này có thể hiểu chất lượng công ty có mã chứng khoán niêm yết trên hai sàn chứng khoán là hoàn toàn khác biệt. Chưa kể những lợi ích của nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE. Tất nhiên, sẽ có quan điểm cho rằng thuyền to sóng lớn và thị giá cổ phiếu bao nhiêu thì hưởng quyền lợi thông tin bấy nhiêu nhưng sẽ là không toàn diện nếu một nhóm cổ đông có tác động đến các cổ đông nhỏ không thể liên kết lại để nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn