MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số ngân hàng vẫn có lãi suất 8.6-9,3%/năm, tuy nhiên đây là mức lãi suất dành cho người gửi từ 300 tỉ đồng trở lên. Ảnh: Chụp màn hình

Có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay

Cẩm Hà LDO | 13/06/2023 08:39

Theo biểu lãi suất huy động vừa được một số ngân hàng áp dụng từ ngày 12.6, lãi suất huy động cao nhất giảm thêm 0,2-0,4% so với trước đó, tạo điều kiện cần thiết để tiếp tục kéo giảm lãi vay trong thời gian tới.

Lãi suất huy động đồng loạt đi xuống

Biểu lãi suất huy động mới nhất được Ngân hàng HDBank công bố áp dụng từ ngày 12.6 cho thấy, lãi suất cao nhất áp dụng với các kì hạn 12-13 tháng hiện giảm về còn 7,0-7,55%/năm.

So với biểu lãi suất phổ biến trước đó, mức lãi suất mới của HDBank có mức giảm khoảng 0,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kì hạn từ 6 tháng đến 11 tháng hiện cũng được ngân hàng điều chỉnh về còn tối đa 6,8%/năm. Một ngân hàng khác là Sacombank cũng giảm mạnh lãi suất ở hàng loạt kì hạn, đưa lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này xuống chỉ còn 7,25%/năm. Trong đó chỉ có các kì hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng mới có lãi suất từ 7% trở lên. Còn lại các kì hạn từ 1 tháng đến 11 tháng hiện chỉ có lãi suất từ 4,5%/năm đến 6,8%/năm.

Theo tìm hiểu của Lao Động, so sánh với biểu lãi suất trước đó, mức lãi suất huy động của Sacombank hiện có mức giảm từ 0,3% đến 0,4%.

Thực tế làn sóng giảm lãi suất huy động tiếp tục lan rộng tại các ngân hàng thương mại trong khoảng 2 tuần gần đây, đặc biệt từ thời điểm ngày 25.5 khi Ngân hàng Nhà nước lần thứ 3 tiến hành điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Rõ nhất là 4 ngân hàng quốc doanh gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV gần như ngay lập tức điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiết kiệm ở nhiều kì hạn với mức giảm cao nhất là 0,5%/năm. Các ngân hàng quốc doanh cũng đang là nhóm ngân hàng có biểu lãi suất huy động thấp nhất thị trường với mức lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 6,6-6,8%/năm. Như tại Vietcombank, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất 6,8% đồng loạt cho toàn bộ các kì hạn gửi tiền từ 12 tháng đến 60 tháng.

Chờ tác động tích cực tới lãi vay

Thời gian gần đây, cơ quan ngân hàng Trung ương liên tiếp yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất đầu vào để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Phạm Thanh Hà - cho hay, sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm, giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm 2022.

“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới” - Phó Thống đốc nói.

Ở thời điểm hiện nay, lãi suất huy động kì hạn 12 tháng thường được xem là mức lãi suất cao nhất được ghi nhận trên thị trường, hiện phổ biến trong khoảng 7,2-7,55%. Song với các diễn biến hiện nay, các tổ chức đầu tư nhận định lãi suất huy động cao nhất có thể giảm về 6-6,5%/năm.

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán VNDiect nhận định, lãi suất tiền gửi bình quân kì hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên các lí do như nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm.

Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công cũng sẽ góp phần bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.

Tuy nhiên việc lãi suất huy động giảm thêm chưa thể tác động ngay tới mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, sẽ cần thêm thời gian (độ trễ 1 đến 2 quý, tương đương 3-6 tháng) trước khi lãi suất cho vay có thể giảm thêm, giúp giảm áp lực cho người vay vốn.

Đây được cho là khoảng thời gian cần thiết để các ngân hàng thương mại huy động được nguồn vốn theo các biểu lãi suất huy động mới được điều chỉnh giảm, giúp trung hòa và kéo giảm giá vốn đầu vào. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn