MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất lấy trái phiếu làm tài sản bảo đảm khoản vay bị phản đối gay gắt

Trà My LDO | 01/01/2023 09:12
Trái phiếu có bản chất là một công cụ nợ. Vậy đề xuất "dùng trái phiếu làm tài sản bảo đảm khoản vay" liệu có hợp lý?

Đề xuất “Cho phép doanh nghiệp bất động sản dùng trái phiếu làm tài sản bảo đảm khoản vay” của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đang vấp phải những ý kiến tranh cãi gay gắt từ giới tài chính ngân hàng.

Trái phiếu có bản chất là một công cụ nợ, vì vậy việc lấy khoản nợ như tài sản đảm bảo cho khoản nợ khác là điều khá vô lý.

Nhà phát hành trái phiếu phải có nghĩa vụ trả lãi vay cũng như hoàn trả vốn gốc cho trái chủ khi trái phiếu đáo hạn. Trong trường hợp không trả được lãi và gốc thì phải bán tài sản của mình để trả hoặc tuyên bố phá sản.

Doanh nghiệp bất động sản thời gian qua ưa chuộng phát hành trái phiếu do trái phiếu không bị những tiêu chuẩn thẩm định khắt khe của ngân hàng về vay vốn đầu tư. Trái phiếu không bắt buộc phải có tài sản thế chấp.

“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để lấy tiền, tức là một khoản vay nợ, nhưng hiện nay họ lại muốn dùng khoản vay nợ này để làm tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng thì rất khó được chấp nhận”, GS-TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia Kinh tế cho biết.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phản hồi kiến nghị của HoREA liên quan tới trái phiếu. Ảnh SBV

Thẳng thắn trả lời những kiến nghị từ HoREA, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, việc tổ chức tín dụng cấp tín dụng sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo để cấp tín dụng cho doanh nghiệp là không phù hợp với các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.  

Trao đổi với báo chí, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết: “Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Gần đây nhất, sau công điện của Thủ tướng ngày 22.12, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp và các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp".

Giới chuyên gia nhận định việc cho vay của ngân hàng phải tuân thủ nhiều quy định như doanh nghiệp vay không có nợ xấu, dự án khả thi và các quy định về tài sản bảo đảm, để trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì tài sản đó được ngân hàng phát mãi để thu hồi vốn cho vay. Do đó, tài sản bảo đảm phải có cơ sở, còn nếu không đáp ứng quy định thì ngân hàng sẽ gánh rủi ro lớn. Thậm chí, nếu ngân hàng chấp nhận những tài sản thế chấp không nằm trong danh mục còn vi phạm pháp luật.

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: “Các công ty bất động sản muốn thông qua kênh trái phiếu để huy động vốn vì muốn vay vốn từ các ngân hàng thương mại thì phải kèm theo nhiều điều kiện pháp lý khắt khe. Trong khi đó, kênh trái phiếu có thể cung cấp vốn dài hạn khi các dự án chưa hoàn thành”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ rằng ngân hàng có thể lấy cổ phiếu doanh nghiệp làm tài sản thế chấp, nhưng lấy trái phiếu để làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay khác là rất rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn