MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nhân khốn khổ bị tấn công mạng: Cần tìm ra kẻ ném đá giấu tay

Phan Anh LDO | 09/08/2021 20:29

Không chỉ có một mà rất nhiều người đã và đang là nạn nhân bị vu khống, bôi nhọ và tấn công mạng xã hội chỉ vì quen biết người vay tiền của một số tổ chức tài chính.

Ai là người vu khống, "tra tấn mạng"

Như Lao Động đã thông tin, sau cuộc gọi từ một người tự nhận là nhân viên Công ty mua bán nợ DSP thông báo việc nhân viên công ty mình quản lý vay tiền Công ty Mirae Asset chưa trả, anh Phan Trần Nam (Ngô Quyền - Hải Phòng) và gia đình liên tục bị nhục mạ, vu khống vay nợ số tiền 200 triệu đồng trên mạng xã hội.

Có được số điện thoại của người tự nhận là nhân viên Công ty mua bán nợ DSP, PV đã liên hệ để tìm hiểu thêm thông tin với vai trò người nhà của bên vay. Thông qua điện thoại, người này xác nhận đang làm việc tại văn phòng pháp lý của Công ty mua bán nợ DSP và hồ sơ vay nợ của anh N.V.N - nhân viên công ty anh Phan Trần Nam được Công ty Mirae Asset bán cho Công ty mua bán nợ DSP.

Khi được đặt câu hỏi, có phải Công ty mua bán nợ DSP thực hiện tấn công mạng, nháy máy anh Phan Trần Nam và gia đình, người này không thừa nhận, xong nói thêm: "Tôi không nói vấn đề bên tôi đòi nợ không đúng người. Tôi đã nói với anh N.V.N đóng được hay không thì thông báo lại. Nếu anh N.V.N trả nợ một cục thì chúng tôi có cần đòi nợ?

Anh N.V.N đang đòi hỏi trả nợ một cách vô lý. Vậy thì bên tôi làm gì để anh N.V.N trả nợ đây? Anh gọi điện như vậy là anh trách bên tôi hay như thế nào? Tôi không biết anh có quan hệ như thế nào đối với anh N.V.N nhưng tôi nói như thế này, cái gì cũng có giới hạn", người phụ nữ tự nhận là nhân viên của Công ty mua bán nợ DSP nói với phóng viên.

Mặt khác, phóng viên đã liên hệ đặt câu hỏi phỏng vấn Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Công ty Mirae Asset) nhưng đơn vị này chưa có phản hồi.

Nhiều nạn nhân bị tấn công vì lỡ... quen người đi vay nợ

Đây không phải là lần đầu tiên người quen của khách hàng vay tiền tại Công ty Mirae Asset phải "kêu cứu" vì bị tra tấn trên mạng xã hội. Tháng 7.2021, ông Q.V - lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh cho biết cũng gặp trường hợp tương tự.

Nhiều người bị các đối tượng vu khống, tấn công trên mạng xã hội. Ảnh: Phan Anh

Theo đó, ông Q.V liên tục bị gọi điện làm phiền, nhắn tin khủng bố với nội dung yêu cầu nhân viên của ông phải trả tiền "để tránh phiền phức tới sàn bất động sản của công ty". Facebook công ty bất động sản của ông cũng bị tấn công. Ông Q.V cho biết, sau khi làm việc với nhân viên, người này thừa nhận trước đó đã vay tiền của Công ty tài chính Mirae Asset.

Có thể dễ dàng nhận thấy một số điểm chung, những người bị tấn công mạng thường là chủ doanh nghiệp, nơi có nhân viên vay tiền. Đối tượng tấn công thường sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, số điện thoại rác để thực hiện hành vi "ném đá giấu tay".

Những cuộc tấn công mạng của nhóm đối tượng này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Ai là người đứng sau hành vi đòi nợ bất chấp, vô lương tâm, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Ngân hàng Nhà nước quy định rõ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Thông tư trên yêu cầu các tổ chức tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn