MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Fed cạn room tăng lãi suất, chuyên gia nhận định "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đau đầu vì tỷ giá"

Lan Hương LDO | 07/08/2022 17:55

“Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện không đủ để duy trì sự độc lập của chính sách tiền tệ. Lãi suất của Mỹ dự báo lập đỉnh vào cuối năm 2022. Fed đứng thì phải cùng đứng, ngồi là phải ngồi. Cái giá của các nước chọn cách độc lập chính sách tiền tệ như Thái Lan và Nhật Bản là đồng tiền nội tệ mất giá rất lớn", ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup nhận định.

CEO WiGroup dự báo khi lãi suất lập đỉnh vào cuối năm, có thể Fed sẽ dần phải quay trở lại với chu kỳ nới lỏng mặc dù sẽ chậm chạp hơn trước, áp lực dòng vốn lên Việt Nam không còn. Áp lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 là một bài toán khó khi các nền kinh tế lớn đều đứng trước ngưỡng cửa suy giảm tăng trưởng đáng kể. Bối cảnh này có thể cũng sẽ khiến cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm quay trở lại với chu kỳ nới lỏng.

Cái khó của Ngân hàng Nhà nước là tỷ giá chứ không phải lạm phát

Hai câu hỏi nóng nhất trong giới tài chính lúc này: Khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất? Khi bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ thay đổi sẽ ảnh hưởng gì đến Việt Nam?”

Lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở mức khoảng 0,3 đến 0,5% thì giờ đây lãi suất qua đêm đến 5%. Như vậy Ngân hàng Nhà nước đã không duy trì nới lỏng ở thị trường liên ngân hàng, đây là dấu hiệu của sự thắt chặt.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hút tín phiếu về, đồng thời hạn chế mở room tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ và đau đầu với bài toán tỷ giá. FED được dự báo đã cạn “room” tăng lãi suất.

Ông Trần Ngọc Báu phân tích, từ tháng 9.2022 trở đi, áp lực lạm phát sẽ rất cao. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và hút tín phiếu, hạn chế mở “room” tín dụng, hút VND về từ việc bán USD...  Điều đó cho thấy NHNN đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Tỷ giá là nguyên nhân khiến NHNN “đau đầu” nhất trong áp lực từ "bộ ba bất khả thi". Do vậy, NHNN phải lựa chọn ổn định tỷ giá mà không độc lập chính sách tiền tệ.

“Có thể thấy, COVID-19 đã làm cho mọi chính sách trở nên thụ động và gấp gáp, nhưng theo tôi, đến năm 2023-2024, mọi chính sách có thể đảo chiều hơn và được nới lỏng”, CEO WiGroup cho biết.

Vậy bao giờ Fed cạn room lãi suất?

Thứ nhất, FED đã cạn “room” tăng lãi suất, lạm phát Mỹ sẽ lập đỉnh vào khoảng cuối quý 3.2022 và giảm dần bất kể lao động có toàn dụng hay không. Tại Mỹ, chi tiêu ăn uống không ảnh hưởng quá nhiều tới lạm phát nhưng yếu tố năng lượng có tác động lớn nhất, tiếp đến là giá nhà ở và giá xe. Muốn biết lạm phát lập đỉnh hay chưa chỉ cần tập trung vào 3 chỉ tiêu lớn này.

“Theo tôi quan sát, giá năng lượng đã suy giảm, giá nhà tăng rất mạnh nhưng trong 5 tháng nay chỉ số này đã chậm lại và đi ngang, còn tốc độ tăng trưởng mua xe vẫn lớn. Có nhiều ý kiến nhận định lạm phát ở Mỹ không thể giảm được, song phải nhìn thực tế rằng, lạm phát Mỹ tới 60% đến từ chi phí đẩy và 40% đến từ cầu kéo. Vì thế, để Mỹ giảm lạm phát thì phải giải quyết câu chuyện nguồn cung như giá xăng dầu giảm, giá nhà và xe giảm”, ông Báu phân tích.

Vậy suy thoái kinh tế Mỹ có diễn ra? Cách tính tăng trưởng tại Mỹ là so với cùng kỳ của quý, nên trong quý 2 vừa qua Mỹ báo cáo tăng trưởng âm do GDP quý 4/2021 tăng cao bất thường khiến quý 1, quý 2 bị đuối. Tuy nhiên, khi so sánh tăng trưởng với cùng kỳ của năm thì con số này vẫn ở mức cao. Có thể trong quý 3, quý 4 tới đây, tình hình kinh tế Mỹ sẽ định hình suy thoái rõ hơn, đồng thời FED cũng không bao giờ tăng lãi suất lớn với bối cảnh lạm phát gần tiệm cận đỉnh và đi xuống. 

Theo các tổ chức lớn đánh giá, trong 3 năm tới, kịch kim lãi suất của Mỹ sẽ dừng ở mức 3% và từ năm 2023 trở đi sẽ bắt đầu đảo chiều giảm dần. Đó là lý do mà gần đây, thị trường chứng khoán toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại vì đã có các dấu hiệu báo trước. Mặc dù vậy, có một điểm cần chú ý là kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng rất chậm, sự giảm tốc này có tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn