MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

FED đau đầu vì dầu lên giá

QUÝ AN (dịch TH) LDO | 07/04/2023 13:00

Theo đánh giá của quan chức Cục Dự trữ Liên bang (FED), giá dầu tăng có thể khiến công cuộc chống lạm phát của FED trở nên khó khăn hơn.

Thế khó

Vừa qua, OPEC+ đã tuyên bố sẽ thắt chặt sản lượng toàn cầu thêm 1,16 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay. Điều này có lợi cho chiến lược sản lượng quy mô lớn của liên minh dầu mỏ trước các áp lực. Giá dầu thô tương lai sau đó đã tăng mạnh.

Một số nhà phân tích dự đoán giá dầu sẽ tăng vọt lên 100 USD/thùng, trong khi ngân hàng Goldman Sachs đánh giá dầu Brent có thể lên thêm 95 USD/thùng vào tháng 12.2023.

“Giá dầu dự kiến sẽ tăng trong thời gian còn lại của năm do những đợt cắt giảm này có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, khiến các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới buộc phải cứng rắn hơn về việc tăng lãi suất” - nhà nghiên cứu Victor Ponsford của Rystad Energy - đánh giá.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần chỉ trích nhóm OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng, với lý do lạm phát gây thiệt hại cho các hộ gia đình. Hạn chế sản xuất dẫn đến nguồn cung ít hơn, gây khó cho các nước nhập khẩu, dẫn đến bất lợi cho các số liệu lạm phát.

Tháng trước, FED đã tăng lãi suất 0,25%, đưa phạm vi mục tiêu từ 4,75-5% trong chiến dịch tăng lãi suất để dập tắt lạm phát, bất chấp những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng. Động thái này của FED được đánh giá là bớt “diều hâu” hơn khi trước đó nhiều người sẽ nghĩ tỉ lệ tăng là 0,5%. FED gợi mở sự gia tăng khác về quy mô lãi suất trong năm nay. Hành động vừa qua của OPEC+ đang gây thêm khó khăn cho các nỗ lực của FED nhằm cắt giảm lạm phát toàn cầu, khiến tình hình thêm phần phức tạp.

Sau vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, FED đang phải đối mặt với bài toán hóc búa khác mang tên “giá dầu” khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng. Ảnh: Xinhua

Chiến lược hai hướng

Trước động thái của liên minh dầu mỏ, Chủ tịch FED chi nhánh St.Louis James Bullard đánh giá đây là quyết định “bất ngờ”. Giá dầu tăng có thể khiến FED gặp khó trong công cuộc giảm lạm phát. Vị quan chức FED trước đó đã không tham gia bỏ phiếu về chính sách tiền tệ trong năm nay.

“Giá dầu đang dao động. Thật khó để theo dõi chính xác. Một trong số đó có thể dẫn đến lạm phát và khiến công việc của chúng tôi khó khăn hơn một chút” - Blullard nói, đồng thời thừa nhận việc tăng giá dầu trong năm nay là phù hợp với triển vọng kinh tế của ông về xu hướng nhu cầu năng lượng. Dù sao thì tôi cũng đã kỳ vọng giá dầu sẽ cao hơn một chút với việc Trung Quốc quay trở lại sớm hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2023 và cũng như châu Âu đang đi qua suy thoái. Ngoài ra, dữ liệu mạnh mẽ ở Mỹ cũng là một trong những yếu tố đóng góp khá tích cực cho thị trường dầu mỏ” - ông nói.

Theo nhận định của Bullard vào tháng trước, lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức 5,625% trong năm nay. Các quan chức FED sẽ tiếp tục có cuộc họp vào ngày 2-3.5.

Mặt khác, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng, FED sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023. Sự sụp đổ gần đây của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) càng củng cố thêm mối lo về căng thẳng trong lĩnh vực tài chính sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái .

Tuy nhiên, vị lãnh đạo FED St.Louis lại cho rằng, Phố Wall đang quá chú trọng vào giả thiết tình trạng hỗn loạn ngân hàng sẽ gia tăng làm thay đổi triển vọng căn bản của nền kinh tế. Bullard cho biết, xác suất 80-85% căng thẳng tài chính sẽ giảm bớt, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ thấp và thị trường lao động sẽ vẫn thắt chặt. Về giả định tình trạng hỗn loạn sẽ dẫn đến một nền kinh tế tồi tệ, Bullard nói: “Vấn đề với Phố Wall là họ nghĩ giả định đó dễ xảy ra hơn”.

Bullard cho biết, FED đã áp dụng “chiến lược hai hướng”: Vừa sử dụng các công cụ vĩ mô để giải quyết các vấn đề ngân hàng, vừa tiếp tục triển khai chính sách tiền tệ để cố gắng giảm lạm phát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn