MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giới đầu tư toàn cầu đang tập trung sự chú ý vào động thái của ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed trong cuộc họp tuần này. Ảnh TTXVN

Fed tăng lãi suất và sức ép nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt

Trà My LDO | 21/09/2022 17:07

Tâm điểm của giới tài chính toàn cầu là quyết định nâng lãi suất của Fed. Câu hỏi nóng nhất lúc này: Fed sẽ tăng lãi suất bao nhiêu? Điều này sẽ tác động gì đến nền kinh tế của Việt Nam?

Đây là lần thứ 4 trong năm nay Fed quyết định nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Động thái nâng lãi suất mạnh tay đã được Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu từ trước đó tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole.

Liệu kinh tế Mỹ có rơi vào vòng xoáy suy thoái khi Fed cương quyết đi theo chính sách “diều hâu” trong bối cảnh lạm phát cao kỉ lục, giá lương thực-thực phẩm, năng lượng tăng cao trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế lớn, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ rung chuyển thì các nước không tránh khỏi bị tác động. Thêm vào đó, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. 

Fed tăng lãi suất sẽ khiến tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu xuất khẩu với hàng Việt Nam thấp. Giới phân tích dự báo lãi suất huy động bằng VND chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. 

“Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”, ông TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

“Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá” là điều mà chuyên gia nhận định.

“Ngân hàng Nhà nước nên tăng trần lãi suất huy động để tạo nên một điểm hoán đổi tiền tệ giữa đồng USD và VND”, ông Phước khuyến nghị.

Lý giải, TS Trương Văn Phước cho rằng hiện tại, lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát kỳ vọng thì ra lãi suất thực dương của Việt Nam vẫn rất cao. Trong khi đó, nếu Mỹ tăng lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4%/năm thì ông Phước đánh giá “không ổn”.

“Tỷ giá là điều đau đầu nhất đối với Ngân hàng Nhà nước. Nguyên nhân là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ quá lớn ở tất cả các kỳ hạn. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải nâng lãi suất trên thị trường 2.

Như vậy Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tiếp tục bán đô la để can thiệp thị trường. Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã bán 5 tỷ USD và hút về 125.000 tỷ đồng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng mất đi 125.000 tỷ đồng để nhấc nền lãi suất trên thị trường 2 và thị trường 1 và tiếp tục sẽ hút tiền về”, ông Trần Ngọc Báu - Founder & CEO WiGroup nhận định.

"Từ nay đến cuối năm, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối. Trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của FED có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn", các chuyên gia của SSI nhận định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn