MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá dầu "rơi tự do": Chứng khoán bị tác động mạnh, có đáng lo?

Phạm Dung - Phan Anh LDO | 21/04/2020 12:16
Ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm xuống mức kỷ lục, cùng áp lực chốt lời gia tăng trên diện rộng sau 6 phiên tăng liên tiếp của VN-Index, thị trường phiên sáng nay đã giảm khá mạnh ngay từ khi mở cửa.

Cổ phiếu loạt "ông lớn" ngành dầu đỏ sàn

Trước thông tin giá dầu thế giới, các mã cổ phiếu ngành dầu trên thị trường chứng khoán Việt đã ngay lập tức có phản ứng.  Ảnh minh họa: TTXVN

Trong phiên giao dịch hôm qua (20.4), phần lớn các mã dầu khí đều vẫn có diễn biến tích cực. Theo đó, mã BSR tăng giá lên 6.300 đồng, PVS tăng lên 12.900 đồng, PVD tăng 700 đồng lên 10.500 đồng, PVT tăng 700 đồng lên 11.000 đồng…

2 mã cổ phiếu của 2 ông lớn là Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã cổ phiếu: GAS) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) cũng tăng trong các phiên giao dịch trước đó.

Thế nhưng chỉ trong buổi sáng nay, các mã cổ phiếu ngành dầu đã đồng loạt giảm mạnh. Sau 3 ngày tăng liên tiếp, cổ phiếu GAS đã giảm tới 2.600 đồng (tương đương 3,49%) so với phiên giao dịch hôm qua, từ 68.800 đồng xuống còn 66.400/cổ phiếu.

Sau 4 ngày tăng liên tiếp, cổ phiếu PLX hôm nay đã giảm 2.300 đồng (tương đương 5,24%), xuống còn 41.600 đồng/cổ phiếu tỏng phiên giao dịch hôm nay. Trong khi trước đó, cổ phiếu PLX đã tăng 3,47% trong tuần qua và có mức tăng 8,32% trong tháng qua.

Còn quá sớm để đánh giá vận động của dòng tiền

Trao đổi với PV Lao Động, ông Võ Thế Vinh - Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), cho rằng, "cần nắm rõ giá dầu âm hiện tại là hợp đồng tương lai dầu ở Mỹ giao vào tháng 5.2020 sẽ đáo hạn vào ngày 21.4.2020 (giờ Mỹ)".

"Những lo ngại về khả năng lưu trữ dầu đã sắp chạm giới hạn khiến cho người nắm giữ sẵn sàng mất tiền để đóng vị thế do e ngại chi phí lưu kho sẽ tăng cao.

Thị trường chứng khoán thế giới thực tế đã có phản ứng trái chiều, giá dầu Brent và các hợp đồng tương lai chưa gần thời điểm đáo hạn thực tế vẫn đang ở mức bình thường trong mấy ngày qua. 

Mặc dù việc rơi mạnh mới chỉ xảy ra đối với giá dầu WTI của Mỹ, nhưng nếu không có động thái gì khác thì giá dầu Brent cũng có thể chịu áp lực tương tự. Mức cắt giảm của OPEC+ gần đây được cho là quá ít và quá chậm", ông Vinh nói. 

Nói thêm về doanh nghiệp có mã chứng khoán là ngành dầu mỏ, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn IVS nhấn mạnh, trong kế hoạch 2020 thì PVN đã đưa ra kịch bản nếu giá dầu thế giới dưới 20 USD/thùng thì sẽ ngừng khai thác ở 1 số mỏ và chuyển sang mua tích trữ.

"Các cú rơi giá mạnh từ cả phía cung và cầu cho thấy rằng vùng giá thấp sẽ có thể duy trì lâu và các doanh nghiệp sản xuất dầu khí (upstream) sẽ gặp khó khăn rất lớn trong năm nay". 

Nhận định về tác động của sự sụt giảm giá dầu đối với thị trường chứng khoán trong nước, chuyên gia này cho rằng, hiện còn quá sớm để đánh giá vận động của dòng tiền.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức hồi phục rất ấn tượng trong tháng 4.2020, nằm trong nhóm hồi phục mạnh nhất trên thế giới, mặc dù vậy xu hướng chung vẫn đang là giảm điểm khi dịch bệnh vẫn hết sức khó lường. Xét về kỹ thuật, vùng 800 đang cho thấy là vùng cản.

Tuy nhiên tôi đã nhìn thấy một xu hướng các nhà đầu tư mở tài khoản mới tăng lên, thị trường chứng khoán sau khi điều chỉnh về vùng định giá thấp đã cho thấy sức hút đối với nhà đầu tư trong nước.

Chính phủ vẫn còn một số công cụ để hỗ trợ nền kinh tế và Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại vẫn có các yếu tố thuận lợi về vĩ mô để thu hút vốn đầu tư ngoại sau dịch", ông Võ Thế Vinh phân tích thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn