MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá vàng hôm nay 30.1: Diễn biến trái chiều, người mua tiếp tục thua lỗ

Khương Duy LDO | 30/01/2022 08:20

Trong khi giá vàng thế giới giảm mạnh, rơi khỏi ngưỡng kháng cự thì tuần qua, giá vàng trong nước tăng mạnh 650.000 đồng/lượng. Đáng nói người mua vẫn thua lỗ sau 1 tuần đầu tư.

Giá vàng trong nước đóng cửa phiên giao dịch tuần được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 61,8 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 62,5 triệu đồng/lượng, tăng 570.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (23.1). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 61,75 - 62,5 triệu đồng/lượng. So đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (23.1), giá vàng tại DOJI tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 750.000 đồng/lượng.

Tuần này giá vàng trong nước bất ngờ đi ngược xu hướng kim loại quý thế giới. Ảnh minh họa: Phan Anh

Tuy giá vàng tăng đến 700.000 đồng/lượng chỉ sau 1 tuần nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục thua lỗ nặng. Cụ thể, nếu mua vàng của Tập đoàn DOJI vào phiên ngày 23.1 với giá 61,8 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên hôm nay với giá 61,75 triệu đồng/lượng, người mua lỗ 50.000 đồng/lượng. Trong khi đó, mức lỗ này tại Công ty VBĐQ Sài Gòn ở ngưỡng 130.000 đồng đối với mỗi lượng vàng.

Sở dĩ xảy ra tình trạng giá vàng tăng mạnh nhưng người mua vẫn lỗ là do mức chênh lệch mua vào - bán ra bị các đơn vị kinh doanh trong nước đẩy lên ngưỡng cao. Mức an toàn được một số chuyên gia về vàng tư vấn là dưới 300.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới chốt phiên giao dịch tuần này được niêm yết trên sàn Kitco ở mức 1.791,6 USD/oz. Sau 1 tuần giao dịch, giá vàng thế giới giảm mạnh 44 USD/oz. Sau 2 tuần tăng giá, vàng thế giới đã rơi khỏi ngưỡng kháng cự 1.800 USD/oz.

Theo giới chuyên gia, giá kim loại quý tuần qua chịu ảnh hưởng khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã báo hiệu có thể tạm dừng chương trình mua tài sản và bắt đầu tăng lãi suất ngay từ tháng 3.

Các quan chức Fed cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm phát dai dẳng, sau nhiều tháng nhấn mạnh rằng việc tăng giá chỉ là “nhất thời”. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7% so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất trong 12 tháng kể từ mùa hè năm 1982.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này vượt khá xa mức tăng trưởng 2,3% trong quý III/2021, cũng như kết quả cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành là 5,5%.

Kim loại quỹ cũng chịu áp lực giảm khi doanh số bán nhà mới của nước này đã tăng 11,9% lên mức hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 811.000 căn vào tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 3.2021.

Tuy nhiên hiện tại vàng vẫn đang được nhiều yếu tố hỗ trợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về những bất ổn sắp tới đối với thị trường tài chính, đặc biệt khi các chính phủ trên thế giới chuyển hướng sang bình thường hoá chính sách tiền tệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết tình trạng mất cân bằng kinh tế của Trung Quốc trở nên trầm trọng và dự báo năm 2022 tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt 4,8%, giảm 0,9 điểm % so với dự báo trước là 5,7%. Nhiều nhà đầu tư tin rằng,  thông tin này không tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ và sẽ thúc đẩy giá vàng hồi phục.

SPDR Gold Trust - quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cũng cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng khoảng 0,5% lên 1.013,10 tấn tính đến ngày 25.1.

Daniel Pavilonis - nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures miêu tả mốc 1.800 giống như một chiếc nam châm. Kể từ tháng 6.2021, dù giá vàng có được đẩy lên cao thì cũng hạ xuống và neo ở quanh mức này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn