MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá vàng hôm nay 3.12: Vàng trong nước giảm, nhưng vẫn treo cao

Anh Tuấn LDO | 03/12/2021 09:38

Giá vàng hôm nay (3.12) trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm trước áp lực từ Fed, giá vàng trong nước cũng cùng đà giảm nhưng vẫn treo cao và chênh 10-12 triệu đồng/lượng so với vàng quốc tế.

Giá vàng trong nước

Sáng 3.12, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 59,95 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 60,65 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao dịch liền trước, giá vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC đang là 700.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 59,95– 60,65  triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao dịch ngày 2.12, giá vàng tại DOJI giữ nguyên giá ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI hiện ở mức 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới

Tính tới 8h35 sáng 3,12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.769,3 USD/ounce, giảm 10,7 USD/ounce so với đêm qua. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.769,4 USD/ounce, giảm 11,6 USD/ounce so với đêm qua.

Đêm 2.12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.780 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.781 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 2.12 thấp hơn khoảng 6,1% (115 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 2.12.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm trước áp lực từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong khi giá vàng trong nước vẫn treo cao và chênh 10-12 triệu đồng/lượng so với vàng quốc tế.

Vàng thế giới chịu áp lực mất giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ chuyển lập trường sang cứng rắn. Điều này được thể hiện trong hai buổi điều trần liên tiếp của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Thượng viện Mỹ.

Craig Erlam – nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định "vàng vẫn đang vật lộn tìm đà ở cả hai hướng tăng và giảm. Điều này khá lạ vì lợi suất vẫn thấp và đồng đôla đang yếu đi. Thị trường biến động mạnh, tâm lý nhà đầu tư lo lắng lẽ ra phải hỗ trợ vàng hơn nữa. Nhưng kim loại quý vẫn không thể trở lại mốc 1.800 USD. Đây không phải là dấu hiệu tốt".

Về dài hạn, bà Chantelle Schieven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Murenbeeld & Co., cho biết, giá vàng sẽ đẩy trở lại mức 1.900 USD/ounce vào đầu năm 2022 khi thị trường tạo ra một phạm vi mới trong môi trường lạm phát ngày càng tăng. Với bà, đà tăng của vàng sẽ còn rất lâu nữa mới kết thúc, thậm chí có thể chạm tới 3.000 USD/ounce. 

Ông Charlie Ripley, chuyên gia phân tích vàng Quỹ Allianz Investment Management nhận định, lạm phát nóng hơn cùng với bối cảnh kinh tế mạnh mẽ có thể khiến FED sớm chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào quý 1.2022. Vì vậy vàng vẫn có khả năng tăng giá cao trong thời gian đến.

Trong khi đó, Powell cho rằng với việc kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh và sự mất cân bằng cung - cầu kéo dài trong tương lai gần, các nhà hoạch định chính sách cần sẵn sàng cho khả năng lạm phát không hạ nhiệt trong nửa cuối năm như kỳ vọng. Một số nhà đầu tư coi vàng là công cụ truyền thống phòng trừ lạm phát. Tuy nhiên, việc rút kích thích và lợi suất tăng sẽ gây sức ép cho kim loại quý.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn