MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá xăng dầu trong nước có thể tăng sau quyết định giảm sản lượng của OPEC

Cường Ngô LDO | 07/04/2023 10:30

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) mới đây tuyên bố cắt giảm sản lượng. Động thái này có thể làm tăng giá dầu trên toàn cầu do thiếu hụt nguồn cung, từ đó tác động đến giá xăng trong nước.

Giá dầu thế giới dự báo tăng cao

Dầu thô Brent tăng trở lại mức 85 USD/thùng và dầu thô WTI lại đạt 80 USD/thùng trong những ngày qua sau tuyên bố của Saudi Arabia, Iraq và một số quốc gia vùng Vịnh sẽ cắt giảm sản lượng hơn 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1% nguồn cung thế giới, nhằm tăng giá dầu.

Việc cắt giảm sản lượng đang được các thành viên OPEC+, nhóm chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu thô toàn cầu, thực hiện. Việc cắt giảm sản lượng khiến nhiều nhà phân tích dự báo nguồn cung xăng dầu thắt chặt trong nửa cuối năm nay và sẽ đẩy giá dầu vọt lên ngưỡng rất cao.

Michael Hewson - Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại CMC Markets - cho biết, có vẻ như OPEC+ muốn giá dầu chạm ngưỡng 90 USD/thùng trong thời gian tới.

ING dự báo giá dầu Brent nửa cuối năm lên 101 USD/thùng. Goldman Sachs nâng dự báo dầu thô Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay. Còn nhà phân tích Amrita Sen - người sáng lập và giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects nhận định giá dầu thế giới có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm sau hành động của các nước OPEC+.

Giá xăng dầu thế giới được dự báo tăng cao. Ảnh: Ngô Cường

Giá xăng trong nước tác động thế nào?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ khiến giá dầu thế giới thời gian tới có xu hướng tăng, bởi sản lượng giảm đi. Điều này có thể tác động đến giá xăng dầu trong nước thời gian tới tiếp tục tăng.

"Việt Nam đang thực hiện bình ổn giá xăng dầu theo Quỹ bình ổn (BOG), quỹ này chỉ có hiệu quả khi giá xăng dầu biến động không mạnh, một khi giá xăng dầu biến động mạnh thì Quỹ bình ổn không có nhiều tác dụng. Do vậy, để giảm tác động của giá dầu trên thị trường thế giới, về lâu dài, Việt Nam cần chuyển từ "bình ổn giá" sang "nâng cao dự trữ" xăng dầu quốc gia.

"Nếu có được nguồn dự trữ xăng dầu từ 3 - 6 tháng thì sẽ có được công cụ điều tiết thị trường tốt hơn khi có biến động mạnh" - chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy, xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Về giải pháp, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, hai bộ cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế, đặc biệt bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn