MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Trà My

Gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai nhỏ giọt vì đâu?

Hương Nguyễn LDO | 19/01/2023 16:02

Tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau khi nhận gói hỗ trợ đã khiến các doanh nghiệp chẳng ‘mặn mà’ với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước.

“Đến cuối tháng 11, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 38.000 tỉ đồng đối với trên 1.500 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 28.500 tỉ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 85 tỷ đồng”, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Vậy điều gì khiến cho gói hỗ trợ lại khó triển khai trên thị trường?

Bà Hà Thu Giang thừa nhận kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bà Hà Thu Giang cho biết, sau khi các văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp về chính sách được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách bằng nhiều hình thức; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV

Theo bà Giang, thực tế cho thấy, chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này.

Nói về khó khăn vướng mắc trong việc triển khai gói hỗ trợ mà Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận được, bà Hà Thu Giang cho biết: “Thứ nhất, qua khảo sát vào báo cáo của các ngân hàng thương mại và địa phương thì khó khăn lớn nhất là hiện nay là tâm lý lo ngại của các khách hàng. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất thì sau này sẽ phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến kiểm tra, kiểm toán…

Các doanh nghiệp cân nhắc trong việc giữa lợi ích thu được khi được hỗ trợ lãi suất 2% so với chi phí bỏ ra để theo dõi hồ sơ, chứng từ… để phục vụ công tác hậu kiểm sau này. Các doanh nghiệp thấy rằng nếu tham gia chương trình rồi sau này bị thu hồi thì sẽ rất khó xử lý. Giả sử số tiền đã hạch toán chia cổ tức lợi nhuận thì không thể hồi tố số tiền lại được”.

Khó khăn vướng mắc thứ 2 theo bà Giang là theo quy định thì doanh nghiệp được hỗ trợ phải “đạt điều kiện là có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi”.

Ngân hàng thương mại mặc dù đánh giá doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng không thể trả lời có thể phục hồi hay không trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn. Các doanh nghiệp sợ sau này không đáp ứng được điều kiện phục hồi tại thời điểm thanh tra, kiểm toán thì sẽ chịu thu hồi khoản tiền hoặc bị quy cho tội “trục lợi chính sách”. 

Thứ ba, một số khách hàng là hộ kinh doanh không có đăng kí kinh doanh hoặc một số doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề nhiều nhưng có những ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng có ngành không được hỗ trợ lãi suất.

Bàn về giải pháp, bà Hà Thu Giang cho biết: “Nếu có tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách tiêu chí “có khả năng phục hồi” thì doanh nghiệp cũng không thể hấp thụ hết số tiền 40 nghìn tỉ đồng. Trong tổng số doanh nghiệp có đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất thì kết quả khảo sát cho thấy có tới 67% số doanh nghiệp có tâm lý e ngại.

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động có tờ trình Chính phủ về những khó khăn vướng mắc và đề xuất là thứ nhất, chuyển nguồn sang cho các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn như Chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội, giải quyết việc làm…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn