MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Phương Nam - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova. Ảnh: HƯƠNG NGUYỄN

Hàng trăm triệu USD vốn xanh quốc tế đang chờ rót vào Việt Nam

LAN HƯƠNG (thực hiện) LDO | 05/11/2023 22:00

Chuyển đổi xanh là bắt buộc nếu doanh nghiệp Việt muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh và tránh được các rào cản kỹ thuật tại những thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Chuyển đổi sản xuất, giảm phát thải carbon, mua bán tín chỉ carbon là câu chuyện nóng trong cộng đồng doanh nghiệp lúc này. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Phương Nam - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova - chuyên gia đánh giá quốc tế công ước khung của Liên Hợp quốc về đổi mới khí hậu.

Hiện nay, tiêu chí xanh chưa rõ ràng, vậy theo ông, cần thay đổi gì để có cơ chế thu hút đầu tư xanh hiệu quả hơn?

- Việt Nam đang thiếu nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư xanh, đặc biệt là đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế. Hiện nay nguồn vốn này "đang đứng ở biên giới" và rất muốn rót vào Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu khái niệm phân loại xanh. Nếu chậm chân, dòng vốn quốc tế này sẽ chuyển hết sang các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia...

Đặc thù kinh tế Việt Nam là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ (SMEs). Doanh nghiệp SMEs có bất lợi về cạnh tranh trên thị trường, thị phần nhưng có cơ hội lớn trong chuyển đổi xanh do môi trường không cồng kềnh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp SMEs có thể chuyển đổi sang cơ hội kinh doanh bền vững hơn. Đa phần các doanh nghiệp đang hướng tới kinh doanh bền vững, giúp giá trị thặng dư trong sản phẩm có tính cạnh tranh hơn trên thị trường.

Việc áp dụng thuế carbon toàn cầu tác động như thế nào đến các doanh nghiệp Việt, thưa ông?

- Khái niệm thuế carbon hiện Việt Nam chưa có nhưng chúng ta đã có các công cụ định giá carbon khác như tín chỉ carbon. Theo lộ trình đến năm 2025, Việt Nam có thị trường giao dịch tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải. Sàn giao dịch sẽ chính thức hoạt động vào năm 2028. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt bởi việc chuyển đổi xanh, tạo ra tín chỉ carbon, giúp tạo ra phần tài sản đầu tư chính vào sự chuyển đổi của doanh nghiệp.

Nguồn tài chính đến từ tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải không chỉ giúp cho doanh nghiệp có nguồn vốn tái đầu tư trong doanh nghiệp và gián tiếp giảm rào cản thương mại theo quy định của Liên minh châu Âu. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU chính thức áp dụng từ ngày 1.10.2023 và thực hiện thí điểm trong 3 năm để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU làm quen, trong giai đoạn này các hàng hóa xuất khẩu vào EU phải nộp báo cáo phát thải. Sau giai đoạn chuyển tiếp, CBAM sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.1.2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034. Các doanh nghiệp nào đã có chuyển đổi xanh sẽ không phải chịu thuế carbon này. Đối với doanh nghiệp chưa chuyển đổi xanh, chưa có tín chỉ carbon sẽ phải mua tín chỉ CBAM.

Dự kiến 2026, giá 1 tín chỉ CBAM có thể lên tới từ 86 - 200USD/tấn CO2. Chuyển đổi xanh và thị trường carbon hình thành sẽ giúp doanh nghiệp chưa kịp chuyển đổi có cơ sở tránh bị đánh thuế tại EU hoặc có thêm nguồn tiền để tái đầu tư hoạt động sản xuất để xanh hơn và bền vững hơn.

Thưa ông, điểm nghẽn lớn nhất trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện nay là gì?

- Cơ chế, luật pháp và quy định đã có. Tuy nhiên, điểm nghẽn để xây dựng thị trường tín chỉ carbon nằm ở một số yêu cầu kỹ thuật. Thứ nhất, các doanh nghiệp trước khi tạo tín chỉ carbon cần rõ hạn ngạch phát thải của mình bao nhiêu? Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện chưa có hiện trạng phát thải của các doanh nghiệp, do đó việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp là khó.

Doanh nghiệp lúng túng trong việc phân biệt việc giảm phát thải tương ứng với tín chỉ carbon tạo thành nó là nghĩa vụ quốc gia hay tín chỉ carbon mà doanh nghiệp được sở hữu. Doanh nghiệp loay hoay trong bài toán tạo ra tín chỉ carbon trước hay đợi phân bổ hạn ngạch của Nhà nước trước. Có được điều đó, doanh nghiệp mới xác định được đâu là nghĩa vụ, đâu là quyền lợi.

Thời gian tới cơ quan quản lý cần có chính sách rõ ràng hơn, thậm chí trước khi thị trường chính thức, hãy tạm coi những gì doanh nghiệp giảm phát thải tạo thành tín chỉ carbon thì cho phép doanh nghiệp mua bán.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn