MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng vạn tỉ đồng "đóng băng" vì nợ xấu

Lam Duy LDO | 30/07/2022 13:52
Nợ xấu tăng cao trong nửa đầu năm 2022 buộc các ngân hàng phải trích lập hàng vạn tỉ đồng dự phòng rủi ro tín dụng và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Nợ xấu tăng nóng ở cấp số nhân

Gây ấn tượng với tốc độ tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong 6 tháng đầu năm ghi nhận con số lợi nhuận trước thuế lên tới 15.322 tỉ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng VPBank ghi nhận được từ năm 2015 đến nay.

Kết quả kinh doanh ấn tượng của VPBank có được nhờ hoạt động cho vay tăng mạnh với dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỉ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống là 9,35%.

Nhờ đó tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt gần 31.600 tỉ đồng, tăng tới 37% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank sau khi trừ đi chi phí hoạt động đạt tới hơn 25.000 tỉ đồng, tăng vọt tới gần 42% so với cùng kỳ 2021.

Song bên cạnh con số lãi khủng, nợ xấu tại VPBank cũng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2022 và buộc ngân hàng phải trích lập hàng nghìn tỉ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng. Báo cáo tài chính cho thấy, đến thời điểm hiện nay, VPBank là ngân hàng đứng đầu về tổng nợ xấu với tổng nợ xấu ở thời điểm 30.6.2022 lên tới 20.624 tỉ đồng, tăng 27% so với đầu năm.

Nợ xấu tăng mạnh buộc các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Ảnh: N.H 

Trong đó nợ có khả năng mất vốn của VPBank tăng hơn 240%, từ 2.046 tỉ đồng lên 4.970 tỉ đồng trong khi nợ nghi ngờ cũng tăng 20% lên 9.091 tỉ đồng. Theo đó trong nửa đầu năm nay, tỉ lệ nợ xấu của VPBank vọt tăng lên 5,25% từ mức cao nhất toàn hệ thống trước đó là 4,83% vào cuối tháng 3.2022.

Tương tự, một ngân hàng khác là LienVietPostBank cũng gây nhiều chú ý với kết quả lãi trước thuế 6 tháng đạt hơn 3.588,5 tỉ đồng, tăng tới 76% so với cùng kỳ, tương đương 74,7% kế hoạch năm. Tổng Giám đốc LienVietPostBank - ông Phạm Doãn Sơn lý giải, lợi nhuận quý II tăng so với cùng kỳ năm trước là nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng do quy mô tín dụng bán lẻ tăng và thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó các khoản thu thuần từ các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số cũng như thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. 

Song cũng như VPBank, nợ xấu cũng có xu hương tăng mạnh tại LienVietPostBank khi tăng tới gần 11,2% so với thời điểm cuối năm 2021 lên gần 3.183 tỉ đồng. Trong số này nợ xấu ở nhóm dưới tiêu chuẩn tăng tới 67,5% và nợ xấu ở nhóm có nguy cơ mất vốn cũng tăng tới gần 38% so với cuối năm 2021.

Một ngân hàng khác là TPBank cùng lúc ghi nhận tốc độ tăng trưởng ở cả kết quả lãi trước thuế cũng như các biến động về phân loại chất lượng cho vay. Kết thúc nửa đầu năm 2022, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.787 tỉ đồng, tăng tới 26% so với cùng kỳ. Song diễn biến tăng mạnh nợ xấu ở nhóm nợ có khả năng mất vốn và nợ nghi ngờ khiến tổng nợ xấu của ngân hàng cung tăng tới 11,1% so với cuối năm 2021, lên trên 1.285 tỉ đồng.

Ồ ạt tăng trích lập dự phòng 

Nợ xấu tăng nhanh khiến các ngân hàng cũng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và động thái này khiến lợi nhuận của các ngân hàng trên báo cáo tài chính cũng giảm rất mạnh.

Như tại VPBank, chỉ trong nửa đầu năm, chỉ riêng ngân hàng này phải trích lập dự phòng rủi rui tín dụng tới hơn 9.700 tỉ đồng (tăng đáng kể so với con số 8.652 tỉ đồng cùng kỳ) và điều này khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm xuống còn 15.332 tỉ đồng dù tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt tới hơn 25.041 tỉ đồng. 

Do nợ xấu tăng cao nên dù có quy mô nhỏ hơn nhiều, các ngân hàng như TPBank trong nửa đầu năm nay cũng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới hơn 1.400 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 1.003 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Ngân hàng LienVietPostBank cũng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 950 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng mạnh so với con số 615 tỉ đồng của cùng kỳ 2021.

Theo phân tích của TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc và TS Phan Ngọc Minh (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM), do khoản dự phòng rủi ro tín dụng này được hạch toán vào chi phí hoạt động nên nó có tác động làm tăng chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Hơn nữa nó dẫn đến làm giảm tỉ lệ thu nhập hoạt động cận biên được đo lường bằng tỉ lệ giữa hiệu số thu nhập hoạt động và chi phí hoạt động với tổng tài sản bình quân của TCTD, khiến cho các TCTD không muốn giảm thêm lãi suất cho vay hoặc thậm chí có xu hướng muốn gia tăng lãi suất cho vay để bù đắp cho sụt giảm trong tỉ lệ thu nhập hoạt động cận biên của các TCTD. Chi phí hoạt động tăng làm giảm lợi nhuận trước thuế của các TCTD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn