MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Bộ Tài chính, dự kiến sơ lược nợ công đến ngày 31.12.2017 sẽ bằng 63,7% GDP. Ảnh: Khánh Hoà

Hết thời “uống sữa dễ dàng” từ vốn vay ODA

Khánh Hoà LDO | 02/06/2017 12:00
Từ tháng 7.2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cắt nguồn vốn vay ưu đãi cho Việt Nam, các đối tác phát triển khác cũng sẽ sớm dừng hoặc đưa ra các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn. Cơ chế cấp phát hỗ trợ vốn vay nước ngoài cho địa phương vì vậy sẽ được chuyển sang cơ chế cho vay lại để siết việc sử dụng vốn vay ODA cũng như ràng buộc nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc thay đổi cơ chế này là muộn và cần tăng giám sát.

Vay kiểu cấp phát, dễ dàng nên trách nhiệm không cao

Trả lời báo Lao Động chiều 31.5 về tăng cường sử dụng vốn vay ODA của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Xuân Thảo-Cục phó Cục quản lý nợ thừa nhận trước đây do cơ chế phân bổ vốn vay ODA phần lớn là theo cơ chế cấp phát nên các địa phương dễ dàng tiếp cận nguồn vốn rẻ và trách nhiệm không cao. Không ít địa phương chỉ quan tâm đến việc làm sao huy động được nhiều thôi.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2004 - 2015, trong tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết (khoảng 45 tỉ USD), số vốn vay dành cho các chương trình dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương khoảng 15,51 tỉ USD (chiếm 35%). Tuy nhiên, trong tổng số vốn vay cho chương trình dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát ở mức 92,2% trong khi tỷ trọng cho vay lại chỉ 7,8%.

Lý giải về thực trạng này, đại diện Bộ Tài chính cho là do các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn để xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội nhưng phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, trung ương phải trợ cấp. Tính đến năm 2015, mới chỉ có 13 địa phương tự cân đối được thu chi và điều tiết về TW, các địa phương khác còn nhiều khó khăn, một số địa phương đặc biệt khó khăn trong khi nguồn vốn huy động được trong giai đoạn này có tính ưu đãi cao (chủ yếu là vốn ODA, lãi suất trung bình khoảng 1%, kỳ hạn dài đến 40 năm).

Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay cùng với việc áp dụng nghị định 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc tiếp cận vốn vay nước ngoài sẽ khó hơn và bản thân chính phủ cũng sẽ vay khó hơn. Các địa phương sẽ được vay theo hạn mức nên nếu vượt hạn mức thì không được vay nữa và các dự án sẽ phải dừng lại nếu địa phương không đủ khả năng trả nợ cho các dự án trước đó.

Siết quy định quá muộn và cần tăng giám sát

Khi được hỏi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc chính phủ đưa ra nghị định 52 là quá muộn. Theo bà Lan, từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010, các nước đã rút dần viện trợ cho Việt Nam và các nước còn cung cấp viện trợ ODA đều cung cấp với điều kiện ngặt nghèo đồng thời đã cảnh báo về việc sẽ đến lúc nguồn vốn ưu đãi sẽ giảm dần rồi hết hẳn hoặc chuyển sang nguồn vay với tính chất thương mại lãi cao.

“Chuyện đó biết lâu rồi không phải mới nên giờ mới đưa ra các quy định siết chặt quản lý ODA với các địa phương là muộn” bà Lan khẳng định và cho rằng đáng lẽ ngay từ đầu khi vay ODA của các nước đã phải làm cho những người sử dụng nguồn vốn đó phải hiểu đây là vay, có vay là có trả chứ không cho không. Trong ODA có khoản cho không nhưng khoản đó nhỏ bé và thường làm cho mục đích xã hội xoá nghèo. “Mãi đến gần đây vẫn có sự ngộ nhận của địa phương là ODA là nguồn cho và như vậy là tiền cho không hoặc việc trả là của chính quyền trung ương nên họ chẳng cần quan tâm đến cứ lấy được càng nhiều càng tốt chứ có nhu cầu thực sự hay không hay đánh giá nhu cầu thật cần cái gì mang lại hiệu quả tốt nhất cho cuộc sống người dân” chuyên gia này phân tích.

Dù muộn nhưng bà Lan cùng một số chuyên gia khác cho rằng vẫn cần đưa ra để buộc các địa phương phải có trách nhiệm trả nợ và khi vay phải tính đến để dùng thế nào cho hiệu quả nhất, tránh xảy ra lãng phí. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo cần gắn với trách nhiệm cá nhân và tập thể rõ hơn trong việc phân bổ vốn vay nước ngoài để tăng việc giám sát trong quá trình sử dụng. “Nếu sử dụng không hiệu quả hoặc không trả được nợ thì người phân bổ và người sử dụng phải chịu trách nhiệm chứ không thể buông lỏng quản lý” một chuyên gia nhấn mạnh. Nếu không quản lý các địa phương, bộ ngành hoàn toàn có thể vỡ nợ vì việc đưa ra hạn mức là để không vay mới nữ nhưng cái cũ đã vay thì sẽ vẫn xảy ra vấn đề.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến sơ lược nợ công đến ngày 31.12.2017 sẽ bằng 63,7% GDP trong đó nợ của chính phủ chiếm 52% đồng thời dự báo xu hướng nợ công sẽ giảm từ năm 2018 trở đi nhờ các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công để đảm bảo mức trần như Quốc hội phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn