MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Viết Hải cho rằng, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ một cách đại trà là không khả thi và không hiệu quả. Ảnh: HBCG.VN

“Hỗ trợ doanh nghiệp một cách đại trà là không hiệu quả”

Lam Duy LDO | 12/05/2020 15:49

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, do số lượng doanh nghiệp quá lớn, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ một cách đại trà là không khả thi và không hiệu quả.

Trong các đề xuất gây nhiều chú ý vừa được ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gửi tới Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung đáng chú ý xung quanh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19.

Các kiến nghị của ông Lê Viết Hải được gửi đi ngay sau cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp hôm 9.5 nhằm tiếp tục quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19.

Cụ thể với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, ông Hải cho rằng, do số lượng doanh nghiệp hiện có trên 700.000 doanh nghiệp với 90% là doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ nên Chính phủ không thể có đủ nguồn lực để xem xét và đánh giá tất cả các trường hợp để xác định mức độ hỗ trợ hợp lý, công bằng; dễ xảy ra tiêu cực gây bất mãn cho nhiều chủ doanh nghiệp.

“Do đó, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ một cách đại trà là không khả thi và không hiệu quả. Hơn nữa, việc hỗ trợ này không thực sự quá cần thiết bởi vì hầu hết doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có tính chất gia đình, không thuê mướn nhiều lao động, không nợ hoặc nợ ngân hàng rất ít.

Bình thường hằng năm cũng đã có hàng ngàn đơn vị thuộc nhóm này bị phá sản nhưng không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế các địa phương cũng như cả nước” – ông Hải cho hay

Theo đó với nhóm doanh nghiệp này, ông Lê Viết Hải đề xuất Nhà nước nên có hình thức giúp đỡ thông qua các hiệp hội ngành nghề. Tài trợ cho các hiệp hội để xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp, bao gồm soạn thảo các hướng dẫn về những giải pháp “biến nguy thành cơ” cho hội viên và doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn chuyển đổi số và tái cấu trúc cho doanh nghiệp.

Ngược lại với doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp dẫn đầu ngành, bởi vì đầu tàu mới có khả năng tạo nên động lực kéo cả đoàn xe chuyển động.

Đó nhất định là những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả có nhiều đóng góp vào ngân sách, nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương cũng như quốc gia.

“Như thế cũng là sự công bằng và phù hợp với đạo lý” – ông Hải đánh giá.

Hơn nữa các doanh nghiệp lớn có lực lượng lao động rất đông, có khả năng cung cấp một lượng hàng hóa lớn cho nhu cầu của thị trường và tạo nhiều công ăn việc làm cho một chuỗi cung ứng liên quan; chuỗi cung ứng đó chính là những công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này được nhìn nhận sẽ phục vụ hiệu quả cho việc khôi phục kinh tế các địa phương và cả nước.

“Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2% và đa số tài chính minh bạch đã có kiểm toán độc lập nên các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương dễ dàng xem xét và đánh giá đưa ra phương pháp, công thức hỗ trợ hợp lý” – ông Hải nhận định.

Với doanh nghiệp siêu nhỏ, ông Hải đưa ý kiến Nhà nước không nên xét tài trợ vì có số lượng quá lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn