MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối với ngành ngân hàng, những diễn biến trên thị trường bất động sản có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh SBV

Hội nghị tín dụng bất động sản tìm cách gỡ khó cho thị trường

Lan Hương LDO | 08/02/2023 08:51

Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính Việt Nam đang đổ dồn vào Hội nghị về tín dụng lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào sáng nay - 8.2.2023. 

Hàng loạt vấn đề nóng đang sôi sục thị trường tài chính. Tiền đang ở đâu? Doanh nghiệp kêu đói vốn. Thanh khoản cạn kiệt, thị trường bất động sản gần như đóng băng. Quan trọng hơn, 119.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong năm nay sẽ ra sao? 

Liên tiếp trong vài năm gần đây, thông điệp xuyên suốt mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản… để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận: “Đối với ngành ngân hàng, những diễn biến trên thị trường bất động sản cũng như những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô”.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế  cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường bất động sản đối với hoạt động ngân hàng, do đó trong thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản và điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản. 

 Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng về nhà ở. Ảnh: Phan Anh

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước nêu ra 6 giải pháp đã được áp dụng như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đáp ứng các nhu cầu đầu tư, sở hữu bất động sản, cải thiện chỗ ở, nơi làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Về chính sách lãi suất: Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Về chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tín dụng phù hợp với diễn biến thực tế, chỉ đạo tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện tốt vai trò cho vay, bảo lãnh trong đó có ban hành quy định về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; đồng thời cũng ban hành các quy định về tỉ lệ an toàn, các giới hạn tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng về nhà ở như: Ngân hàng Nhà nước đã dành khoảng 30.000 tỉ để giải ngân cho vay tái cấp vốn cho 17 Ngân hàng thương mại thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.

Đây là chương trình tín dụng ưu đãi có quy mô lớn nhất trong thời gian qua và thời gian ưu đãi rất dài (trong 15 năm). Cho vay phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Các chương trình cho vay nhà ở tại NHCSXH để giúp người có thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở được cải thiện chỗ ở.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần ổn định nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có các chương trình cho vay về nhà ở. Nguồn nhận tiền gửi 2% này của các tổ chức tín dụng Nhà nước tăng trưởng hàng năm và đến nay đạt 104,128 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 35% trên tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội. 

Thứ năm, khi xảy ra đại dịch COVID-19 ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong đó có khách hàng thuộc lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: quy định về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện giúp khách hàng thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền, tạo cơ sở để tổ chức tín dụng cho vay mới giúp khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh; giảm phí và dịch vụ thanh toán...;

Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý như về đầu tư, kinh doanh bất động sản; về nhà ở, nhà ở xã hội... Phối hợp với các Bộ, ngành tham gia các Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn