MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số VN-Index dự báo sẽ tăng trong nửa cuối 2023. Đồ hoạ: Trà My

Khép lại 2022 đắng lòng chứng sĩ, chứng khoán 2023 dự báo khấm khá

Hương Nguyễn LDO | 02/01/2023 10:17

Năm 2022, không ít “chứng sĩ” rơi vào cảnh “cháy” tài khoản chứng khoán. Tính chung cả năm, chỉ số VN-Index giảm 35%.  Tuy nhiên, giới phân tích dự báo VN-Index sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023.

Năm 2022, chứng khoán lao dốc từ đỉnh cao nhất mọi thời đại về đáy 

Mặc dù khởi đầu năm 2022 ở mức đỉnh cao nhất mọi thời đại, chỉ số VN-Index tăng 2,0% lên 1.528,6 điểm trong tuần đầu tiên. Bất chấp tín hiệu Fed tăng lãi suất và Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn trụ vững và dao động trong vùng 1.450- 1.550 điểm. 

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi tin tức một loạt Chủ tịch của một số tập đoàn lớn bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán, vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Đà bán tháo ồ ạt dẫn đến hiện tượng bán giải chấp trên toàn thị trường. Năm 2022, lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.

Dòng cổ phiếu giải chấp từ lãnh đạo doanh nghiệp, điển hình là các mã như DIG, PRD, HPX, HDC, HBC, NVL… khiến cán cân cung - cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán.

Chứng khoán Việt Nam đang định giá thấp nhất khu vực. Ảnh VN Direct

Trong năm 2022, VN-Index là chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực nhất với mức giảm 36,5% kể từ đầu năm và có diễn biến giá xếp sau tất cả các thị trường chứng khoán Đông Nam Á khác, bao gồm Indonesia (JCI Index: +6,8% kể từ đầu năm), Singapore (STI Index: +4,3% kể từ đầu năm), Thái Lan (SET Index: -2,6% kể từ đầu năm), Malaysia (FBMKL CI Index: -8,1% kể từ đầu năm), Philippines (PCOMP Index: -9,7% kể từ đầu năm).

“Ba vấn đề chính gây khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, đó là lãi suất tăng, thắt chặt tín dụng đối với các phân khúc cho vay rủi ro cao, bao gồm đầu tư bất động sản, chứng khoán và kênh huy động vốn dài hạn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn do khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư sau sự cố Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát”, chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định.

Top cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất 2022

Cổ phiếu GAS (tăng 17% từ đầu năm) là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của VN-Index. 

Top cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất 2022. Ảnh VN Direct

Xếp thứ 2 là cổ phiếu SAB với mức tăng 23% từ đầu năm. 

Ngoài ra các mã khác như BCM (+18%), REE (+18%), KDC (+15%), PNJ (+9%), VHC (+9%), STG (+31%), PDN (+47%), KOS (+12%).

Ở chiều ngược lại, NVL giảm 72% từ đầu năm, nguyên nhân lớn nhất làm VN-Index rớt điểm.

Các cổ phiếu kéo chỉ số VN-Index rơi sâu còn bao gồm HPG (-58% từ đầu năm), TCB (-56%), GVR (-65%), DIG (-84%), SSI (-64%), PDR (-77%), VIB (- 48%), PLX (-49%) và TPB (-50%)

Dự báo chứng khoán 2023

“Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023 trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 – 12,5 lần”, chuyên gia VN Direct dự báo.

P/E của chứng khoán Việt đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Ảnh VN Direct

Lý giải cho nhận định của mình, chuyên gia này cho rằng từ giữa 2023 và kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi nhờ các yếu tố: Fed dự báo sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất vào quý I/2024. Khi các NHTW trở nên “bớt diều hâu” sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường chứng khoán mới nổi, sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4-6 tháng.

Tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối 2023 nhờ: Lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực. Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán.

Tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ tại đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn