MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khối ngoại luôn có chiều hướng giao dịch đi ngược lại với nhà đầu tư trong nước trong thời gian gần đây. Ảnh: B.Chương

Khối ngoại mua ròng trở lại hơn 4 nghìn tỉ đồng trong tháng 4 "đỏ lửa"

Gia Miêu LDO | 02/05/2022 14:27

Dù thị trường giảm rất mạnh trong tháng 4 nhưng giao dịch khối ngoại lại là điểm sáng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trả qua tháng 4 với nhiều tiêu cực. Tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay được các chuyên gia và nhà đầu tư mô tả bằng từ “thử lửa” với những biến động quá lớn, ngoài sự tưởng tượng của nhiều thành viên thị trường. Cảm giác sợ hãi bao trùm khi có thời điểm VN-Index rớt hơn 80 điểm và bảng điện gần như trắng bên mua.

Tuy nhiên, khối ngoại lại có hướng đi ngược lại với thị trường.  Cụ thể, theo thống kê của NDH dòng vốn ngoại mua vào 819 triệu cổ phiếu, trị giá 39.154 tỉ đồng, trong khi bán ra 731 triệu cổ phiếu, trị giá 35.134 tỉ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 88,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là gần 4.200 tỉ đồng. Trước đó, khối ngoại bán ròng 8 tháng liên tiếp với tổng giá trị 43.529 tỉ đồng.

Tại sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 8 tháng bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 3.914 tỉ đồng. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã MWG với giá trị gần 1.500 tỉ đồng, nhưng hầu hết được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Tiếp sau đó, VNM cũng được mua ròng mạnh với giá trị 512 tỉ đồng. Chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 1.292 tỉ đồng. HPG và VND đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 958 tỉ đồng và 238,6 tỉ đồng.

Ở sàn HNX, khối ngoại có tháng bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị giảm 58% so với tháng trước và ở mức gần 31 tỉ đồng. Mã NVB bị bán ròng mạnh nhất sàn HNX với 49 tỉ đồng. Trong khi đó, PVI được mua ròng mạnh nhất với 20,5 tỉ đồng. 

Dự báo về tâm lý giao dịch của khối ngoại trong thời gian sau kỳ nghỉ lễ, nhiều chuyên gia cho rằng, thật quá khó để trả lời cho câu hỏi thị trường đã bình ổn hay chưa? Bởi lẽ, những ẩn số vẫn treo lơ lửng chưa có lời giải thật sự rõ ràng.

Tuần qua, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế được đưa ra lấy ý kiến trước khi ban hành.

Điều này đồng nghĩa kênh huy động vốn này tới đây sẽ siết chặt lại nhằm đảm bảo sự vận hành lành mạnh của thị trường vốn, nhưng việc đánh giá và xử lý những mặt trái của TPDN thời kỳ trước là yếu tố cần được theo dõi bởi có thể ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn