MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng với thị trường khi áp lực lớn từ trái phiếu đến hạn. Ảnh: Đức Mạnh

Kinh nghiệm quốc tế để xử lý trái phiếu bất động sản sắp đáo hạn

Đức Mạnh LDO | 04/02/2023 15:00

Có khoảng hơn 119.000 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023. Lùi thời hạn trả nợ trái phiếu không phải giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề. Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm trên thế giới cũng như ở khu vực trong xử lý thị trường vốn vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

Gia hạn nợ không phải giải pháp căn cơ

Ngành bất động sản trong năm 2023 sẽ có hơn 119.000 tỉ đồng trái phiếu phải đáo hạn, tăng 56% so với cùng kỳ. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có thêm hơn 112.000 tỉ đồng trái phiếu phải thanh toán.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới. Trong khi đó, áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 nên để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ. Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn. Thời gian gia hạn tối đa là 2 năm.

Bộ Tài chính cho rằng, việc cho phép gia hạn này, về mặt tổng thể thị trường cũng sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023 - 2024. Đối với trái phiếu đáo hạn vào 2023 - 2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025 - 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ. 

Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của ADB Việt Nam - nhận thấy, những điều này thực sự không mang lại nhiều kết quả. Các đề xuất gia hạn sẽ tạo ra những trái phiếu dưới chuẩn cho tương lai. Đây chỉ là lùi thời hạn để giải quyết chứ không thực sự xử lý được vấn đề.

Thay vào đó, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm trên thế giới cũng như ở khu vực trong xử lý thị trường vốn vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay. 

Chuyên gia ADB đưa ví dụ, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập quỹ mua lại trái phiếu doanh nghiệp trị giá 11 tỉ USD. Trung Quốc thông qua kế hoạch hành động 16 điểm vào tháng 11.2022. Trong đó chỉ có một hành động nhấn mạnh vai trò thị trường, còn lại 15 hành động là hỗ trợ tài chính và chính sách. Trung Quốc hiện dự thảo kế hoạch hành động 21 điểm, nâng mức hỗ trợ tài chính lên 67 tỉ USD kèm theo các giải pháp giãn nợ khác. 

"Những kinh nghiệm trên cho thấy vào thời điểm rất nhạy cảm với thị trường, sự can thiệp của Nhà nước bằng cả chính sách và tài chính là quan trọng và cần thiết", ông Cường nhấn mạnh.

Cần sớm khơi thông kênh phát hành ra công chúng

Sau khi nghiên cứu ký 16 giải pháp giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc, TS Cấn Văn Lực -  thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - nhận thấy, Việt Nam có thể nghiên cứu vận dụng 10 giải pháp trong số đó.

Một số biện pháp rất quan trọng có thể kể ra như doanh nghiệp phải chấp nhận chiết khấu để bán một số tài sản nhằm trả nợ đúng hạn. Thứ hai là đàm phán với các trái chủ gia hạn nợ trong bối cảnh khó khăn. Điều này được Nghị định 65 cho phép. Thứ ba là đổi tiền lấy hàng, đổi trái phiếu lấy bất động sản. Điều này cần được Nhà nước hướng dẫn để tránh các vấn đề pháp lý có thể phát sinh. Thứ tư là doanh nghiệp được phép đảo nợ, tức là được phép phát hành mới để trả nợ cũ. 

TS Cấn Văn Lực cho hay: "Điều quan trọng là cần sớm khơi thông kênh phát hành trái phiếu ra công chúng để doanh nghiệp đi theo hướng phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn".

Bổ sung thêm, TS Lê Xuân Nghĩa tin rằng, phát hành trái phiếu ra công chúng là con đường để minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ngay phát hành trái phiếu ra công chúng.

"Phát hành trái phiếu ra công chúng là cần thiết, song cần thêm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin… cũng như để Ủy ban Chứng khoán cải tiến quy trình, thủ tục", ông Nghĩa nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn