MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh tế Việt Nam dự báo tươi sáng hơn trong năm 2024, GDP khoảng 6%

Hương Nguyễn LDO | 29/01/2024 13:40

GDP của Việt Nam năm 2024 được chuyên gia của Ngân hàng UOB dự báo sẽ đạt mốc 6%. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cho kinh tế Việt Nam như câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu và chi phí losgistic có thể tăng cao.

Dự báo GDP tươi sáng 6%

Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, trao đổi với PV báo Lao Động, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB - cho biết: “Mặc dù có một năm 2023 khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,05%. Trong năm 2024, tình hình kinh tế dự báo vẫn còn nhiều thử thách và rủi ro.

Tuy nhiên, triển vọng của Việt Nam được hỗ trợ từ sự phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, sát với mục tiêu chính thức của Chính phủ Việt Nam là 6 - 6,5%”.

Đồ thị GDP Việt Nam 2024. Ảnh: UOB

Lý giải cho triển vọng kinh tế năm 2024, chuyên gia của UOB cho rằng, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05% vào năm 2023 do chịu sức ép từ nhu cầu bên ngoài bị suy yếu và trên nền cơ sở tăng cao trong năm trước.

Trong năm 2024, vẫn còn nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, những tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc và môi trường lãi suất cao.

Thứ nhất, xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm có thể khiến cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại cho cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, vì các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn và do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Một yếu tố khác cần xem xét là việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1.1.2024.

Khoảng 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, với mức tăng doanh thu thuế hàng năm là 14,6 nghìn tỉ đồng (601 triệu USD) cho Nhà nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ đối mặt với việc chi phí thuế cao hơn.

Để duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư, điều quan trọng là Việt Nam cần có kế hoạch thực hiện các biện pháp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu, chẳng hạn như giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động.

Lãi suất giữ ổn định nhưng vẫn neo ở mức thấp

“Chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%” - ông Đinh Đức Quang nói.

Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh chóng ngay từ đầu năm 2023 trước tình trạng suy thoái kinh tế và những thách thức với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp nhanh chóng.

Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6.2023 khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,5%. Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi và triển vọng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã giảm đi.

Thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Một trong số đó là gia tăng sự chú trọng vào việc đưa tín dụng đến với người đi vay.

Đáng chú ý là việc Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Luật sửa đổi tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần thế chấp, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn