MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất chip bán dẫn đang là cơ hội mang lại nhiều lời ích. Ảnh: Đền Phú

Làn sóng chip bán dẫn và cơ hội cho Việt Nam

Đức Mạnh (thực hiện) LDO | 30/10/2023 06:38

Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn và chip đang ngày càng nóng trên toàn cầu trong bối cảnh các nước lớn đều muốn tự chủ và không chậm chân trong lĩnh vực này. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi chúng ta có tiềm năng và cơ hội để mang lại nhiều lợi ích tích cực. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor (công ty phát triển chip bán dẫn của Tập đoàn FPT) - về vấn đề này.

Thưa ông, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nào khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn?

- Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đi sâu vào nhu cầu thiết kế của khách hàng. Một số đơn vị sẽ cần dòng chip cụ thể như thay đổi thứ tự khởi động, bật tắt của từng thành phần trong con chip nguồn.

Ngoài ra, các công ty ở Việt Nam còn có những lợi thế về thị trường khi các thành phần sản xuất đang chuyển dịch sang nước ta, kéo theo nhu cầu về dòng chip ở Việt Nam rất nhiều. Theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam nhập hơn 6 tỉ USD tiền chip hằng năm. Tuy nhiên, không công ty nào của chúng ta cung cấp được các dòng chip như thế này.

Làm thế nào để cả khối ngành công nghệ tham gia vào chip bán dẫn, đặc biệt các doanh nghiệp lớn đầu ngành thưa ông?

- Thứ nhất, Việt Nam cần tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ. Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều mảng nhưng mỗi một mảng chỉ số ít doanh nghiệp nội địa. Ví dụ, mảng thiết kế hiện nay có hơn 40 công ty nhưng không nhiều đến từ Việt Nam.

Về đóng gói và kiểm thử có nhiều tên tuổi nổi tiếng như: Intel, ON Semiconductor, Hana Micron, Amkor... Đây là mảng hoàn toàn có thể làm được tại Việt Nam.

ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor (công ty phát triển chip bán dẫn của Tập đoàn FPT). Ảnh: NVCC

Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu mảng liên quan đến nhà máy sản xuất. Hy vọng trong thời gian tới chúng ta có thể phát triển. Để làm được điều đó, các công ty đầu ngành cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành để đảm bảo về đầu ra và hệ sinh thái. Ví dụ đơn giản như tăng tỉ lệ nội địa hoá ở Việt Nam sẽ giúp các công ty sẽ có thị trường nhất định. Hơn nữa, Việt Nam có rất nhiều dự án, hoàn toàn có thể chỉ định doanh nghiệp nội địa làm dự án đó...

Những doanh nghiệp lớn phải có trách nhiệm đi cùng công ty khác, các công ty khởi nghiệp để tạo thành hệ sinh thái cùng hỗ trợ, giúp đỡ, cùng thiết kế và chia ra các mảng khác nhau.

Để làm được điều đó rất cần nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng cao. Vậy theo ông, làm sao để chúng ta có thể đào tạo kịp thời và đảm bảo tính lâu dài?

- Dự định của chúng tôi là kết hợp với các trường lớn trên thế giới, đưa chương trình giảng dạy của họ về Việt Nam. Có thể kể ra như 2+2, 3+1, có nghĩa là 2 năm giảng dạy tại Việt Nam kết hợp với các trường như từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. 2 năm sau đưa đi học tại các trường khác trên thế giới. Khi ra trường, sinh viên sẽ có hai bằng. Đó là cách nhanh nhất để mang chương trình học trên thế giới về Việt Nam, giúp sinh viên khi tốt nghiệp có kiến thức như được học tại các quốc gia tiên tiến về chip như: Mỹ, Nhật Bản...

Về lâu dài, chúng tôi sẽ đi theo nhiều hướng khác nhau. Hiện nay, sẽ tập trung vào mảng chính là đào tạo Đại học và Cao đẳng, từ đó cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho các công ty lớn. Về mảng kỹ sư, ra trường các em có thể làm ở các nhà máy sản xuất. Sau đó, sẽ có những chương trình đào tạo ngắn và dài hạn, trao đổi, bậc trên đại học...

Chưa có con số chính xác nhưng chúng tôi dự định sẽ đào tạo 15.000 sinh viên phục vụ ngành chip bán dẫn tốt nghiệp ra trường từ nay đến năm 2030.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn