MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chênh lệch mua vào - bán ra vàng trong nước quá cao khiến nhà đầu tư khó có lãi nếu "lướt sóng". Ảnh minh họa: Phan Anh

Mua vàng để trong bao lâu thì nhà đầu tư có lãi?

Khương Duy LDO | 19/07/2023 16:53

Bất chấp thị trường vàng thế giới liên tục "nhảy múa", giá vàng SJC thời gian gần đây liên tục đi ngang. Điều này khiến cho nhà đầu tư ngắn và trung hạn rất khó có lãi.

Tính đến 14h hôm nay (ngày 19.7), giá vàng trong nước được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 66,5 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 67,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 66,6 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 67,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 600.000 đồng/lượng.

Vào lúc 14h ngày 19.7.2023, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 1.974,8 USD/ounce. Từ đầu năm đến nay, vàng thế giới đã tăng hơn 150 USD/ounce.

Bất chấp diễn biến giá vàng thế giới, thời gian gần đây giá vàng SJC rất ít có sự điều chỉnh. Mỗi phiên giao dịch, các đơn vị kinh doanh trong nước chủ yếu tăng hoặc giảm quanh ngưỡng 100.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra vàng SJC cũng duy trì quanh mức 600.000 đến 700.000 đồng/lượng.

Việc giá vàng trong nước không chịu sự chi phối chung của thị trường quốc tế và ổn định trong thời gian dài khiến nhà đầu tư ngắn hạn liên tục thua lỗ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bởi mức chênh lệch mua vào - bán ra quá cao.

Cụ thể, nếu người mua vàng ngày 10.7.2023 tại Tập đoàn DOJI với giá 67,05 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên hôm nay 19.7.2023 sẽ thu về khoản lỗ 550.000 đồng/lượng. Trong khi đó, mức lỗ đối với người mua vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC sẽ là 500.000 đồng/lượng.

Đáng nói, nếu mua vàng từ đầu năm, người mua vẫn chưa có lãi. Ví dụ, ngày 1.1.2023, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng chiều mua vào ở ngưỡng 65,65 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 66,65 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 1 triệu đồng/lượng. Nếu mua vàng thời điểm đó và bán ra vào phiên giao dịch ngày hôm nay (19.7.2023), nhà đầu tư lỗ 50.000 đồng/lượng.

Cũng trong ngày 1.1.2023, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 66 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 67 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 1 triệu đồng/lượng. Nếu mua vàng thời điểm đó và bán ra vào phiên giao dịch ngày hôm nay (19.7.2023), nhà đầu tư lỗ 400.000 đồng/lượng.

Dài hạn hơn, nếu mua vàng từ đầu năm 2022, đến nay nhà đầu tư sẽ có lãi. Cụ thể khi nhà đầu tư mua vàng vào ngày 1.1.2022 tại Tập đoàn DOJI với giá 61,6 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên hôm nay 19.7.2023 sẽ thu về khoản lãi 4,9 triệu đồng/lượng.

Tương tự khoản lãi của nhà đầu tư khi mua vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC sẽ vào khoảng 4,95 triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các đơn vị kinh doanh trong nước điều chỉnh chênh lệch mua vào - bán ra quá cao sẽ đẩy rủi ro về phía người mua.

"Giá vàng mua vào và bán ra chỉ chênh lệch nhau vào khoảng dưới 300.000 đồng/lượng là hợp lý. Mức chênh 500.000 - 1.000.000 đồng/lượng là cao, và trên 1.000.000 đồng/lượng là rất cao.

Việc đẩy chênh lệch mua vào - bán ra quá cao có nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng. Khi nhà đầu tư quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp" - ông Hiếu cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn