MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" sáng 25.7. Ảnh TBNH

Ngân hàng đau đầu giải bài toán giúp doanh nghiệp hấp thụ vốn

Hương Nguyễn LDO | 25/07/2023 12:06

“Làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp?” là câu hỏi làm đau đầu nhà quản lý. Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng/Tài chính của World Bank cho rằng “Hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn”.

Nếu mở tín dụng ồ ạt… điều gì sẽ xảy ra?

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương, các Hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Hiện tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 30.6.2023, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022”.

Bàn về sức cầu nền kinh tế yếu, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng/Tài chính của WB, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam cho biết: Hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn.

Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có nhiều dư địa để vay vốn nhưng họ không có nhu cầu vay.

Tình trạng sức cầu yếu cần được xử lý thông qua chính sách kích thích tổng cầu, đẩy mạnh đầu tư công”.

“Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác.

Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn.

Tăng lãi suất hay giảm lãi suất? Cung tiền ra nhiều hay ít? Làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng?

Hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề Ngân hàng Nhà nước phải lưu ý và điều hành. Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn.

Đây là nhiệm vụ rất khó của Ngân hàng Nhà nước. Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định.

Doanh nghiệp chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn

Nói về thực trạng doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng: “Hiện số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An

Chúng tôi đánh giá ngoài những các tác động khách quan từ thị trường thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai”.

Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng – ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá “Việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp”.

Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

Do vậy, đứng ở cả góc độ của ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung.

Đây là điểm mấu chốt để người cho vay và người đi vay xích lại gần nhau hơn. Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn