MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gửi tiền tiết kiệm (ảnh minh hoạ). Ảnh: PV

Ngân hàng “đua nhau” tung dịch vụ tự kiểm tra sổ tiết kiệm

PV LDO | 07/03/2018 17:53

Sau nhiều vụ tiền trong sổ tiết kiệm bị “bốc hơi” thời gian qua khiến dư luận dậy sóng, bắt đầu từ ngày 1.3.2018, nhiều ngân hàng đã tung ra dịch vụ giúp khách hàng tự kiểm tra trực tuyến số dư trong sổ tiết kiệm.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một chuyên gia ngân hàng cho biết, để tránh những trường hợp mất 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm như vụ Eximbank vừa qua, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ, sử dụng tin nhắn báo biến động số dư tài khoản về điện thoại di động để nhanh chóng phát hiện những biến động số dư bất thường. Khi thấy có giao dịch rút tiền bất thường, khách hàng lập tức phải liên hệ với ngân hàng để kiểm tra.

“Việc tra cứu số dư trên sổ tiết kiệm là một thao tác công nghệ đơn giản với bất kỳ ngân hàng nào có hệ thống core banking. Đáng lẽ các ngân hàng nên cung cấp dịch vụ này cho khách hàng từ lâu, tuy nhiên thời gian gần đây khi các vụ mất tiền diễn ra thì việc này mới được các ngân hàng chú ý tới” - một chuyên gia cho biết.

Trước đây, khách hàng phải đến tận phòng giao dịch để kiểm tra sổ tiết kiệm gây khá nhiều bất tiện, hiện nay khách hàng có thể tự kiểm tra các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… ngay tại nhà.

Cụ thể, Sacombank vừa đưa ra dịch vụ giúp khách hàng tự tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web của ngân hàng. Thêm vào đó, đối với khách hàng đang sử dụng Internet Banking hoặc ứng dụng Mobile Banking (tải từ Apple Store hoặc Google Play) hoặc Mobile Banking Web còn tra cứu được thông tin thẻ tiết kiệm bằng cách vào mục Tài khoản\Tài khoản có kỳ hạn trên Ngân hàng điện tử.

Trước đó, Maritime Bank cũng “nhanh tay” ra mắt dịch vụ giúp khách hàng tự check được số dư sổ tiết kiệm. Để kiểm tra, khách hàng chỉ cần truy cập website ngân hàng, nhập một số thông tin cá nhân được bảo mật khác, khách hàng sẽ tra cứu được mọi thông tin của sổ bao gồm: Tên chủ thẻ, số tiền gốc ban đầu, tiền gốc hiện tại, ngày gửi, ngày đáo hạn, kỳ hạn, lãi suất…

OceanBank cho phép người gửi tiền cập nhật thông tin tiền gửi tiết kiệm qua SMS và Internet Banking.

Tại TPBank, mã QR được in trên tất cả các sổ tiết kiệm được phát hành tại quầy giao dịch. Mỗi sổ có 1 mã QR tương ứng với các thông tin trên sổ và chỉ có thể đọc được khi sử dụng ứng dụng eBank của nhà băng này. Sau khi quét mã QR code, nếu sổ tiết kiệm đó đang có trên hệ thống thì mới hiển thị thông tin, còn nếu không thì chỉ nhận được thông báo “Sổ tiết kiệm không tồn tại hoặc đã tất toán. Ứng dụng sẽ hiển thị toàn bộ các thông tin về sổ tiết kiệm, gồm số sổ, số tài khoản, số tiền gửi, kỳ hạn gửi, lãi suất, ngày gửi, ngày đáo hạn và trạng thái sổ tiết kiệm có đang bị phong tỏa hay không?

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank - cho biết, việc sử dụng mã QR code này giúp gia tăng tính năng bảo mật, chống gian lận, làm giả sổ tiết kiệm của khách hàng. “Kẻ gian có thể làm giả phôi sổ, chữ ký, con dấu, tẩy xóa cạo sửa thông tin trên sổ nhưng không thể làm giả QR code và thông tin được lưu trên máy chủ ngân hàng” - ông nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, giám đốc một NHTMCP chi nhánh Hà Nội cho rằng, các giải pháp về công nghệ là cần thiết để giúp khách hàng tự chủ động kiểm tra số dư trên tài khoản sau khi phát sinh giao dịch với ngân hàng. Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ vấn đề, tránh rủi ro xảy ra, cả khách hàng và ngân hàng đều phải đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực trong giao dịch ngân hàng.

Tại họp báo Chính phủ ngày 1.3, trả lời báo chí về vụ việc khách hàng Eximbank mất 245 tỉ đồng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, vụ việc này diễn ra năm 2017 và cuối năm này cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án. Cơ quan này đã chỉ đạo Eximbank tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan xử lý vụ việc.

“Eximbank đã tích cực gặp gỡ khách hàng và đưa ra phương án xử lý trong khi chờ phán quyết của cơ quan chức năng. Ngân hàng này đã có những động thái tích cực bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đây là ưu tiên hàng đầu” - bà Hồng cho biết.

Trước đó, ngày 24.2.2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD. Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn