MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND

Hương Nguyễn LDO | 05/12/2022 08:28

Lãi suất huy động tại một số ngân hàng liên tục tăng nóng trong thời gian qua. Việc này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.

"Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết. Động thái này giúp hỗ trợ ổn định tỷ giá trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới.

Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, ổn định tỷ giá. Ảnh Trà My

Trao đổi với báo chí, ông Masataka Sato - Giám đốc kế hoạch và Chiến lược Tập Đoàn Kangaroo cho biết: “Hiện nay không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều đang phải đối mặt với tình trạng lãi suất vốn vay liên tục tăng, lạm phát cao. Cùng với đó, rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong huy động vốn.

Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của ngân hàng, chúng tôi được giải ngân vốn kịp thời. Nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả để đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, mua nguyên vật liệu, đầu tư nhà máy mới và các trang thiết bị".

Trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối biến động mạnh, đến cuối tháng 9.2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất điều hành.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng mức tăng lãi suất 2 lần, mỗi lần 1% đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương lớn như Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về gấp đôi mức trước dịch. Như vậy, lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Nhận định về động thái trên của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Như Ánh - Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - cho biết: “Hệ thống ngân hàng đối mặt với những khó khăn do cả tác động của thế giới và trong nước. Chúng tôi thấy rằng điều hành của Ngân hàng Nhà nước là rất đúng và trúng; đặc biệt tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất đã góp phần giải tỏa áp lực đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

Tại MB, mặc dù áp lực tăng nhưng nhờ chuyển đổi số giúp cho giá vốn bình quân của ngân hàng giảm một nửa, tiết kiệm chi phí vận hành. Hơn nữa, chi phí phát triển ngân hàng để ngân hàng có nguồn huy động Casa trong năm 2022 dự kiến phát triển thêm được 19 triệu khách hàng nâng tổng số khách hàng lên 20 triệu. Như vậy 1 năm làm bằng 27 năm về trước và từ số liệu khách hàng tăng thêm dòng tiền Casa tăng lên giảm chi phí huy động chung của ngân hàng xuống, từ đó tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay”. 

Bàn về kế hoạch năm 2023, ông Phạm Như Ánh cho biết, room tín dụng còn lại của ngân hàng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. MB có kế hoạch hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên trong đó ưu tiên sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, sang năm 2023, đã có một số xu hướng xuất hiện cho thấy rủi ro bên ngoài bắt đầu hạ nhiệt. Cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất rất mạnh nhưng biến động tỷ giá, áp lực của đồng đô la không rõ nét như thời điểm trước. Đồng thời Fed cũng đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục cân nhắc tăng lãi suất nhưng ở cường độ nhẹ hơn, có thể tăng kéo dài trong 2023. Mục tiêu chống lạm phát vẫn còn nhưng giảm nhiệt dần.

Với những điều kiện cơ bản như ổn định kinh tế vĩ mô tốt, Việt Nam có điều kiện để tận dụng cơ hội này để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023, khi các biện pháp cứng rắn của các ngân hàng trung ương có thể giảm nhiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn