MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất liên ngân hàng giảm rất cao. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm chỉ khoảng 0,7 -1,2%. Ảnh: Hương Nguyễn

Ngân hàng Nhà nước: Thanh khoản đang dư thừa lớn, sẽ tiếp tục giảm lãi suất

Lan Hương LDO | 03/04/2023 06:05

Ngân hàng Nhà nước sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng trong thời gian tới? Câu chuyện lãi suất sẽ ra sao?

Tiền đang dư thừa trong hệ thống

Thông điệp quan trọng mà ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước - cho biết: “Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn. Điều này thể hiện qua hai chỉ tiêu. Thứ nhất, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước theo dự trữ bắt buộc đều lớn kéo dài từ tháng 2-3, liên tục vượt mức dự trữ bắt buộc. Thứ hai, lãi suất liên ngân hàng giảm rất cao. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm chỉ khoảng 0,7 -1,2%. Như vậy, không thể nói ngành ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, thực tế chúng tôi rất muốn tăng trưởng tín dụng nhưng đầu ra khó khăn trong bối cảnh cầu khó khăn.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, những cú sốc đến từ việc ngân hàng Mỹ và châu Âu sụp đổ thời gian qua không tác động nhiều đến Việt Nam.

“Giới chức Mỹ và châu Âu đã có giải pháp nhanh chóng ổn định thị trường tài chính toàn cầu.

Sự lan toả khủng hoảng của các ngân hàng này không còn tác động nhiều trên thị trường toàn cầu nữa, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định. Tại Việt Nam, các biến động trên thị trường trọng điểm như thị trường tiền tệ, chứng khoán không có biến động lớn hay cú sốc khiến nhà đầu tư rút tiền.

Đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam, tác động các cuộc khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu không nhiều. Thanh khoản và chất lượng tài sản, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đã cao hơn nhiều so với giai đoạn năm 2008.

Ngân hàng Nhà nước chưa cần can thiệp gì mà bản thân ngân hàng có bước đệm tốt, sức khỏe ngân hàng trong nước đủ để chống chọi với các cú sốc ngoài thị trường”, ông Phạm Chí Quang nói.

Động thái của Fed và hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tuy nhiên, sau vụ SVB sụp đổ, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Fed đã thay đổi về số lượng, mức độ, cường độ của việc tăng lãi suất. Trong phiên họp tháng 3, Fed không tăng lãi suất ở mức 0,5% như dự báo trước đó mà chỉ tăng 0,25% và Fed phát đi tín hiệu chỉ còn 1 lần tăng trong năm 2023. Biến động nhanh chóng của thị trường quốc tế cùng với việc Fed đảo chiều nhanh đã tác động lớn tới quá trình điều hành chính sách tiền tệ của các nước nhỏ và có nền kinh tế mở như Việt Nam. 

“Ngân hàng Nhà nước chủ động đi trước giảm 1 bước lãi suất chính sách. Đây là bước quan trọng để định hướng lãi suất điều hành, thể hiện sự tự tin của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong công cuộc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Phạm Chí Quang cho biết.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Khi điều kiện chín muồi, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế ". Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Bình luận về số liệu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do Tổng cục thống kê thông báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết: “Con số này vừa tiêu cực, vừa tích cực. Tích cực là chỉ số lạm phát đã giảm so với tháng trước, một số yếu tố lạm phát cho thấy lạm phát toàn cầu tăng cao nhưng Việt Nam có thể yên tâm kiểm soát lạm phát trong mức 4,5% như Quốc hội đề ra.

Yếu tố tiêu cực là tăng trưởng kinh tế quý I khá thấp, chỉ 3,32%. Chỉ cao hơn chút xíu so với mức 3,31% của quý I/2020 khi thời điểm tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm, khi Việt Nam đối mặt với đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng GDP, các lĩnh vực trọng điểm đều suy giảm lớn. Cụ thể, xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng trong nước, mặt hàng chế tạo chế biến, khai khoáng đều giảm. Các động lực tăng trưởng kinh tế đều suy giảm lớn khiến tăng trưởng tín dụng tăng thấp. GDP giảm về sát mức đại dịch thì nhu cầu tín dụng khó khăn. Ngân hàng rất khó đẩy tín dụng ra.

Lạm phát suy giảm, Ngân hàng Nhà nước có giảm lãi suất không?

Ông Phạm Chí Quang cho biết giảm lãi suất là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ suốt thời gian qua.

"Chúng tôi điều hành để cắt giảm mặt bằng lãi suất huy động, đề nghị các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để có nền tảng giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh thế giới thuận lợi, Fed có xu hướng giảm tốc quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ thì đây là điều thuận lợi giúp NHNN tiến tới giảm các mặt bằng lãi suất điều hành, kể cả các mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại. Khi điều kiện chín muồi, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn