MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của TCTD. Ảnh: P.V

Ngân hàng “thở phào” khi Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu

Lan Hương LDO | 22/06/2017 17:36
Sáng 21.6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đây là tín hiệu đáng mừng với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Lao Động chiều 21.6, TS LS Bùi Quang Tín cho biết, Nghị quyết được Quốc hội thông qua lần này mới chỉ mang tính tạm thời trong ngắn hạn chứ chưa phải “liều thuốc thần tiên” xử lý nợ xấu...

Tin vui ngành ngân hàng

Cụ thể, 86,35% số đại biểu có mặt tán thành. Tỷ lệ không tán thành nghị quyết này cũng khá cao, tới hơn 6% tương đương với 31 đại biểu. Có 12 đại biểu không biểu quyết. Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15.8.2017.

Trao đổi với PV báo Lao Động chiều ngày 21.6, TS. LS Bùi Quang Tín - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - cho rằng điểm sáng nhất trong Nghị quyết lần này nằm ở quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại Tòa án.

Điểm sáng thứ hai là việc Nghị quyết quy định rõ “Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự khi TCTD, ngân hàng nước ngoài… xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ TSĐB của khoản nợ xấu”, Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo. Lần đầu tiên việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và công an tại nơi thu giữ TSĐB được quy định rõ trong Nghị quyết mà Quốc hội thông qua, văn bản có tính pháp lý cao hơn.

Trước câu hỏi, liệu đây có phải tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản hay không? Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đây là tín hiệu tốt vì dưới góc độ tạo ra sản phẩm nhiều hơn và qua đó giảm bớt nguồn cung dư thừa. Những hình ảnh các tòa nhà đắp chiếu sẽ giảm đi, sự lãng phí của toàn xã hội sẽ được giải phóng.

Về phía các ngân hàng, đây rõ ràng là thông tin vui, theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank: “Nợ xấu được ví như cục máu đông, khi cục máu đông chưa tan sẽ gây tắc nghẽn trong kinh tế. Nợ xấu lớn sẽ tạo nên nguồn vốn đọng không sinh lời. Vì dòng vốn không đưa vào lưu thông ra thị trường, điều này có thể khiến sự tiếp cận vốn của DN khó khăn. Thêm vào đó, khi nợ xấu đang đè nặng thì các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Nguồn trích lập dự phòng chính là chi phí về huy động, lãi suất cho vay, điều này khiến cho lãi suất cho vay của các doanh nghiệp khó có thể giảm được. Và yếu tố cuối cùng, nợ xấu sẽ làm gián tiếp ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước khi các ngân hàng bị giảm lợi nhuận”.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT VietinBank - cho biết “Chúng tôi rất hồi hộp mong chờ cơ chế chính sách để hỗ trợ NH trong xử lý nợ xấu. Nếu nợ xấu xử lý nhanh, khoảng 10% dư nợ sẽ được cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra GDP. Chính phủ liên tục chỉ đạo giảm lãi suất, nhưng hiện tại các ngân hàng đã khai thác hết yếu tố có thể rồi, nếu xử lý nguồn nợ động này thì mới hi vọng có thêm nguồn lực giảm lãi suất. Nợ xấu nếu không thu hồi được sẽ làm chi phí ngân hàng tăng lên, lãi suất đầu ra cũng bị ảnh hưởng”.

“Nghị quyết chưa phải liều thuốc thần tiên”

Mặc dù được đánh giá là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nên tiến tới ban hành Luật xử lý nợ xấu. Theo TS LS Bùi Quang Tín, Nghị quyết được Quốc hội thông qua lần này mới chỉ mang tính tạm thời trong ngắn hạn chứ chưa phải “liều thuốc thần tiên” xử lý nợ xấu trong thời điểm chưa kịp ban hành Luật xử lý nợ xấu. Nghị quyết chưa xử lý dứt điểm nhiều vướng mắc, đặc biệt là quá trình triển khai, thực tiễn pháp luật. TS. LS Bùi Quang Tín đánh giá đây là một bước cải tiến lớn, tuy nhiên ông cũng cho rằng việc thực thi bản án đó ra sao vẫn còn là dấu hỏi lớn, thậm chí các ngân hàng sẽ mất vài năm vẫn chưa xử lý xong nợ xấu.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - cho biết: “Tôi nghĩ cần có Luật xử lý nợ xấu. Nếu không đưa vào luật, vài ba năm nữa, Quốc hội lại phải ban hành Nghị quyết khác để xử lý nợ xấu trong thời điểm tới”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn